Năm học 2022-2023 chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa sẽ bắt đầu. Học sinh, phụ huynh, đội ngũ giáo viên và cả dư luận xã hội đang dành sự quan tâm đặc biệt tới môn Lịch sử cũng như kỳ vọng vào luồng gió mới từ sự đổi mới chương trình.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT xung quanh những nội dung về việc dạy và học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PV: Bộ GDĐT đã thành lập Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông, Ban phát triển Chương trình môn Lịch sử, Hội đồng thẩm định nội dung điều chỉnh chương trình tổng thể ra sao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 nêu rõ “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện”.
Thực hiện Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã mời tất cả các thành viên đã tham gia Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông trước đây (xây dựng Chương trình tổng thể) tham gia Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng mời một số thành viên đã tham gia Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể trước đây tham gia Hội đồng thẩm định nội dung điều chỉnh Chương trình GDPT 2018, trong đó giữ nguyên thành viên là Chủ tịch Hội đồng và Thư kí Hội đồng.
Bộ GDĐT đã thành lập Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ban phát triển Chương trình đã đề xuất giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của chương trình môn Lịch sử 2018, môn Lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần Lịch sử bắt buộc với thời lượng từ 70 tiết xuống 52 tiết/lớp/năm học.
Theo đề xuất của Ban phát triển Chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018[1]. Căn cứ vào kết quả thẩm định, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Ông hãy cho biết, Ban Phát triển chương trình tiến hành nghiên cứu, xây dựng cẩn thận, cụ thể, xin ý kiến các nhà khoa học, giáo viên ở 63 tỉnh, thành như thế nào nhằm bảo đảm sự phù hợp?
- Việc tổ chức xây dựng, xin ý kiến, thẩm định nội dung điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn Lịch sử được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 6/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GDĐT đã gửi công văn xin ý kiến góp ý của tất cả các sở GDĐT là đối tượng chịu tác động trực tiếp tác động của thông tư; tổ chức các hội thảo ở khu vực miền Bắc và miền Nam để xin ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên, bảo đảm yêu cầu tại Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT và xây dựng thông tư theo trình tự rút gọn.
Thực tế cho thấy, vẫn có giáo viên lúng túng trước những thay đổi của chương trình môn học. Về đội ngũ giáo viên, Bộ GDĐT có giải pháp, kế hoạch tập huấn và hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT ra sao để giáo viên, nhà trường nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh?
- Trước một sự thay đổi Chương trình GDPT trong một thời gian ngắn theo yêu cầu của Quốc hội thì không thể tránh được tình trạng băn khoăn, lo lắng ban đầu của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử chỉ là sự tinh giản một số chủ đề, nội dung mang tính chuyên sâu về Lịch sử đã xây dựng trước đây dành cho học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp để bảo đảm sự phù hợp với đối tượng học sinh đại trà.
Bộ GDĐT đã làm rõ những điều chỉnh Chương trình tổng thể và chương trình môn Lịch sử trong Hội nghị tổng kết nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 cho lãnh đạo các sở GDĐT và đại diện lãnh đạo phòng Giáo dục trung học, cán bộ quản lý trường THPT trong toàn quốc. Đồng thời, Bộ GDĐT đã triển khai tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán của các địa phương để triển khai tập huấn đại trà về việc thực hiện chương trình môn Lịch sử đã điều chỉnh, bảo đảm kịp thời triển khai năm học 2022-2023.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản và tài liệu hướng dẫn gửi cho các địa phương, bảo đảm cho giáo viên hiểu rõ việc điều chỉnh để chủ động triển khai bắt đầu từ năm học 2022-2023.
Tìm hiểu tâm tư giáo viên, nhiều người bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm ban hành những quy định liên quan đến thi cử, kiểm tra, đánh giá với môn Lịch sử. Vậy theo kế hoạch của Bộ, tới đây việc thi cử, kiểm tra, đánh giá với môn Lịch sử sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về kiểm tra đánh giá kết quả học tập học sinh trung học là căn cứ để giáo viên tổ chức kiểm tra đánh giá môn học Lịch sử. Mặt khác, việc kiểm tra đánh giá môn Lịch sử là một nội dung quan trọng của đợt tập huấn việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử, qua đó giúp giáo viên biết cách vận dụng những đổi mới kiểm tra đánh giá trong tổ chức dạy học, từ kiểm tra đánh giá thường xuyên đến đánh giá định kì.
Thực hiện Kế hoạch 72/KH-BGDĐT ngày 25/1/2022 của Bộ GDĐT về việc tổ chức Hội thảo đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá cấp trung học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngày 15/8/2022, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá Lịch sử ở trường phổ thông nhằm đánh giá thực trạng dạy học các môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông; đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá đối với môn học Lịch sử ở trường phổ thông.
Thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá môn Lịch sử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chú trọng đổi mới việc ra câu hỏi kiểm tra đánh giá nhằm khai khai thác các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề lịch sử, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc.
Ngoài đổi mới chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, để học sinh yêu thích Lịch sử, việc cần làm là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong dạy và học môn Lịch sử. Bộ có lưu ý gì với các trường, giáo viên về đổi mới cách dạy khi năm học mới sắp bắt đầu?
- Để thực hiện có hiệu quả chương trình môn Lịch sử đã điều chỉnh, nhất thiết giáo viên phải đổi mới phương pháp, hình thức dạy học.
Với mục tiêu phát triển năng lực học sinh, việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử không chỉ tập trung vào trang bị kiến thức cho học sinh mà đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống, tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn tư liệu, sử liệu gắn với nội dung bài học để phục dựng nội dung, sự kiện lịch sử một cách trân thực, khoa học; đa dạng hoá các hình thức dạy học trên lớp học, bảo tàng, di tích lịch sử, nhà văn hoá… Đồng thời, gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!