Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững.
Nâng cao thu nhập nhờ OCOP
Năm 2018, tỉnh Hòa Bình bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2018. Sau 7 năm thực hiện đã có 158 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Nhờ triển khai chương trình này, nhiều xã đã vươn lên thoát nghèo.
Ngọc Lương là một trong xã tiêu biểu của huyện Yên Thủy, Hòa Bình khi đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương là bưởi Diễn vươn tầm thế giới. Theo ông Bùi Huyên - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, bưởi Diễn đã được các hộ gia đình ở Yên Thủy trồng từ nhiều năm trước. Nhưng sản phẩm bưởi của địa phương chỉ thực sự được biết đến khi được đầu tư bài bản và có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu, được thị trường quốc tế đón nhận...
“Năm 2022 là năm đầu tiên Yên Thủy xuất được lô bưởi 11 tấn sang thị trường Anh. Năm 2023, Yên Thủy xuất được 50 tấn bưởi sang các nước Anh, CH Séc và đặc biệt đây cũng là năm đầu tiên, quả bưởi trên đất Yên Thủy được thị trường Mỹ chấp nhận. Năm 2024 địa phương dự kiến xuất 80 tấn bưởi Diễn sang các thị trường này” - ông Bùi Huyên chia sẻ.
Ông Huyên chia sẻ, Ngọc Lương vốn là xã miền núi, trước đó cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi có chủ trương xây dựng Chương trình OCOP chính quyền địa phương đã chọn bưởi Diễn là cây thế mạnh của xã để đầu tư và phát triển.
“Để có thể liên kết tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện đã chủ trương thành lập Hợp tác xã (HTX) Đại Đồng tập hợp những hộ dân trồng bưởi để cùng nhau liên kết phát triển. Đến nay, HTX còn 29 thành viên với khoảng 31ha trồng bưởi Diễn, cho sản lượng khoảng 800 tấn/năm, tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên sản phẩm HTX Đại Đồng đã được xuất khẩu ra một nước châu Âu. Từ đó đến nay sản lượng xuất khẩu đều tăng” - ông Huyên cho biết.
Đánh giá hiệu quả khi triển khai Chương trình OCOP, ông Vũ Xuân Oanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết, trước đây sản phẩm bưởi Diễn chỉ được tiêu thụ tại địa phương nhưng khi được đưa vào Chương trình OCOP, đặc biệt khi được cấp chứng nhận 4 sao, bưởi Diễn Yên Thủy đã rộng đường tiêu thụ hơn. Nhờ đó, thu nhập của người dân trồng bưởi ngày càng khấm khá. Rất nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ trông bưởi. “Với mỗi hộ trồng 1ha bưởi thu hoạch chừng gần 500 triệu đồng năm trừ chi phí mỗi hộ cũng có thu nhập hơn 300 triệu/năm nhờ trồng bưởi” - ông Oanh thông tin.
Khơi dậy tiềm năng
Cũng giống như Đại Đồng, kể từ khi tham gia chương trình OCOP đến nay, thương hiệu cam Cao Phong và các sản phẩm chế biến từ cam của HTX Hà Phong phát triển gấp từ 200 - 250%, doanh thu không ngừng tăng. Diện tích trồng cam của HTX cũng được mở rộng, trước HTX chỉ có 200 ha, nhưng hiện nay đã lên hơn 300 ha; từ đó thu hút số lượng lao động trong vùng cũng tăng lên hơn 70 người, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong xã.
Ông Hoàng Văn Tuân - Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hòa Bình cho biết các địa phương trong tỉnh đã thấy được lợi thế, cơ hội để khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; nhờ đó góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn.
Không riêng Hòa Bình, việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo lên sự thay đổi rất lớn trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn tại nhiều địa phương. Thống kê từ Bộ NNPTNT cho thấy, hiện cả nước đã có 14.208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (72,3% sản phẩm 3 sao; 25,6% sản phẩm 4 sao; 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao) và 7.894 chủ thể OCOP.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NNPTNT) khẳng định: Việc triển sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46,0%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.
Đặc biệt, Chương trình đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, được lan tỏa và tiêu thụ mạnh mẽ gắn với bán hàng trực tuyến (tương tác) trên mạng xã hội. Nhờ đó, không ít sản phẩm OCOP đã vươn xa ra thị trường thế giới...
Cũng theo ông Phương Đình Anh, kết quả khảo sát và thử nghiệm trong thời gian vừa qua cho thấy, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP cũng rất lớn, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở các nước... Tuy nhiên, đối với sản phẩm OCOP, cần phải tập trung vào tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là quan điểm tham gia vào thị trường một cách có trách nhiệm, minh bạch và bền vững...