Sóc Trăng là một trong 3 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer sinh sống. Những năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ dân nên đời sống của đồng bào Khmer đã đổi thay mạnh mẽ, ngày càng khởi sắc, nâng cao.
Vượt gần 50 km đường Quốc lộ 1A qua Quản Lộ Phụng Hiệp về đến trung tâm xã Vĩnh Quới, chúng tôi chứng kiến sự thay da, đổi thịt của vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Dọc hai bên đường những ruộng vườn cây xanh tốt, nép sau những hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng là những căn mái tôn, máy ngói khang trang cho thấy sự ấm no, phát triển kinh tế vượt bậc của vùng quê cách mạng hôm nay.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng trong ký ức của các bậc cao niên vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm), vẫn còn nhớ rõ những trận càn của địch, sự đùm bọc của đồng bào dân tộc Khmer với các chiến sỹ cách mạng.
Ông Nguyễn Công Tạo, nguyên du kích xã Vĩnh Quới, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Quới hồi tưởng lại những năm tháng ông được người dân cùng các vị sư, sãi giúp đỡ: Giai đoạn 1969 - 1972, phong trào đấu tranh của quân, dân xã Vĩnh Quới diễn ra quyết liệt. Thời điểm đó, đời sống của đồng bào Khmer vất vả vì tình trạng kinh tế thấp kém nhưng nhiều người đã nhiệt tình góp gạo, muối… nuôi chiến sỹ cách mạng. Rất nhiều đồng bào Khmer tham gia cách mạng với ý chí kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh, có niềm tin tuyệt đối vào Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tại xã có chùa Ô Chumaram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum). Trong kháng chiến, đây là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung. Năm 1968-1969, chùa bị máy bay địch hai lần ném bom tàn phá. Dù vậy, các vị sư, sãi và người dân vẫn kiên trì bám trụ, đấu tranh bảo vệ phum, sóc, quyết tâm giúp phong trào cách mạng.
Những năm tháng tiếp đó, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Vĩnh Quới đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập nên những chiến công hiển hách, đánh bại tất cả các cuộc càn quét của giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng.
Sau khi đất nước thống nhất, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Quới đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để cùng nhau khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống xã hội.
Ông Thạch Thương, ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới chia sẻ thêm: Thời kỳ chiến tranh, cuộc sống bà con ở nơi đây rất khó khăn, sau giải phóng người dân mới ra sức cải tạo lại ruộng vườn, chăm lo cày cấy nên cuộc sống mới dần ổn định hơn. Đặc biệt là kể từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng vật nuôi đời sống kinh tế của người dân nơi đây mới thật sự sang trang mới.
“Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước các tuyến đường từ trung tâm xã đến các ấp đã được bê-tông hóa, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng được kiên cố hóa, bảo đảm nước tưới cho người dân sản xuất, trường học được đầu tư xây dựng khang trang…giúp đời sống của bà con ngày một nâng cao”, ông Thương phấn khởi nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới Trần Minh Chiêu cho biết, xã Vĩnh Quới có hơn 38% dân số là đồng bào Khmer, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,58 lần so với năm 2019 (46 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,39%, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố hơn 91%.
Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Quới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, thế mạnh, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề thương mại, dịch vụ...
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Mẫu thông tin, thời gian qua, với sự hỗ trợ về chính sách của Đảng và nhà nước, sự đồng thuận của sư, sãi, đồng bào các dân tộc Khmer đã tạo điều kiện thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo Đảng.
Giai đoạn 2020 - 2025, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tập trung đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Tỉnh đã xây dựng trên 400 công trình trong vùng dân tộc Khmer gồm giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu, bảo dưỡng các công trình phúc lợi xã hội, tổng nguồn vốn trên 327 tỷ đồng.
Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa của các dân tộc Khmer, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng phum, sóc ngày càng giàu đẹp.