Đổi thay trên vùng đất khó

Tuấn Anh 27/02/2016 12:58

Với người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Đắk Lắk nơi tuyến đường Trường Sơn Đông đi ngang qua mùa xuân năm nay niềm vui như được nhân đôi khi những con đường lầy lội đã được thay thế bằng con đường nhựa rộng thênh thang. Con đường mới đang góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của bà con khắp các buôn làng nơi đây.

Đời sống kinh tế người dân xã Ea Lai (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) ngày càng
khởi sắc tuyến bên đường Trường Sơn Đông.

Về vùng căn cứ cách mạng Yang Mao (huyện Krông Bông) mới cảm nhận hết niềm vui của bà con nơi đây khi tuyến đường Đông Trường Sơn được khai thông. Đứng trên tuyến đường mới, ông Y Drai Wdrang -Chủ tịch UBND xã Yang Mao chia sẻ: “Yang Mao là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk với 76% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều người là đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào.

Do địa bàn rộng, khoảng cách giữa các thôn, buôn xa, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng việc áp dụng giống mới, khoa khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn. Giao thông cách trở khiến cho nông sản của bà con làm ra thường bị tiểu thương ép giá”.

Nếu như năm 1996, toàn xã còn tới còn tới hơn 80% hộ nghèo, cái đói cái nghèo thường xuyên đeo bám thì nay nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135, 167 cùng với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của nhân dân đã đem lại diện mạo mới cho vùng căn cứ cách mạng H9 năm xưa. Hình ảnh dễ nhận ra nhất là tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa; các đường liên thôn, buôn thường xuyên được tu sửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản. Dọc theo những trục đường chính là hệ thống điện chiếu sáng, những hàng cây xanh, những mái nhà ngói đỏ tươi…

Hiện toàn xã có 999 hộ, với 5.330 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 27,3%; năm 2015 này, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng; sản lượng lương thực đạt hơn 1,35 tấn/người/năm.

Đã sống hơn 75 mùa rẫy, già làng Y Rít M’lô (buôn Tul, xã Yang Mao) cho biết: “Trong kháng chiến, vùng căn cứ cách mạng H9 bị giặc đánh phá ác liệt, chúng thường xuyên càn quét, dồn dân lập ấp, nhưng dân làng vẫn một lòng đi theo cách mạng gùi lương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, đời sống người dân ngày càng khởi sắc, già vui cái bụng lắm”.

Ông Y Drai phấn khởi khoe với chúng tôi, thời gian tới khi tuyến đường Trường Sơn Đông thông thương sang huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) sẽ mở ra cơ hội để địa phương không những phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp mà còn mở mang thương mại, du lịch và dịch vụ, bởi trong số 11 thôn, buôn của Yang Mao thì 8 thôn, buôn có đường Trường Sơn Đông chạy ngang qua, với chiều dài 18km.

Là một trong những xã vùng xa của huyện M’Đr ắk có tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua, Ea Lai đang khởi sắc từng ngày khi tuyến đường hoàn thành và đi vào sử dụng. Ông Nguyễn Huy Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Lai chia sẻ, từ khi thông tuyến đường này, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Hiện thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên hơn 28 triệu đồng/năm.

Được biết, đường Trường Sơn Đông dài gần 700 km, điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại Thạnh Mỹ (Quảng Nam), điểm cuối là Cầu Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng), đi qua 398 xã thuộc các vùng căn cứ cách mạng, vùng “trũng” phía đông dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng của miền Trung-Tây Nguyên; trong đó có hơn 2/3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường Trường Sơn Đông khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch phân bổ lại dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay trên vùng đất khó