Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai được chú trọng. Nhiều bài học quý đã được đúc rút từ thực tiễn của phong trào.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở thôn Nam Hải, xã Sơn Hải,
huyện Bảo Thắng (Lào Cai).
Bắt đầu từ sự đồng thuận
Trước đây 50 năm, vào năm 1966, nhiều bà con ở huyện Giao Thủy (Nam Định) đã lên thôn Nậm Hẻn (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) xây dựng kinh tế mới. Vượt qua nhiều khó khăn trên quê hương mới, tới nay 133 hộ, 476 khẩu của thôn đã tạo dựng được cuộc sống vững chắc, đồng thời chung tay làm đổi thay diện mạo của thôn.
Ngay từ năm 2010, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai, người dân thôn Nậm Hẻn đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra. Trong các tiêu chí NTM, thì tiêu chí giao thông và môi trường là khó khăn, do địa bàn rộng, dân cư của thôn sống phân tán. Thêm nữa, thu nhập của bà con cũng thấp nên việc huy động đóng góp là khó khăn.
Nhưng chung lòng vì sự phát triển của thôn, bà con đã nhiệt tình tham gia những việc công ích, đồng thời nỗ lực vượt khó xây dựng kinh tế gia đình. Tới nay, Nậm Hẻn đã thực sự khởi sắc.
Hiện, 100% hộ dân trong thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% số hộ trong thôn có nhà ở kiên cố; chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý theo đúng quy định. Đường giao thông, nhà văn hóa được chỉnh trang, điện chiếu sáng đường trục thôn được lắp đặt.
Thu nhập bình quân đầu người của thôn từ hơn 15 triệu đồng/năm (năm 2011) lên gần 26 triệu đồng/năm (năm 2015). Tới nay, cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo trong 133 hộ. Đó là kết quả rất ấn tượng của một vùng quê vốn phải “sống chung” với nhiều khó khăn, mà nếu không có sự đồng thuận thì không thể làm được.
Dễ làm trước, khó làm sau
Sau rất nhiều nỗ lực, tới nay xã Mường Vi (huyện Bát Xát) đã hoàn thành 12 tiêu chí của NTM. Có được điều đó thật không dễ dàng. Khi tiến hành xây dựng NTM, lãnh đạo xã đã thống nhất chủ trương “dễ làm trước, khó làm sau”, đúng với thực tế địa phương. Xã cũng đã thành lập ban phát triển thôn ở 7/7 thôn của xã.
Dù còn khó khăn, nhưng để xây dựng NTM, sau hơn 5 năm, bà con trong xã đã hiến hơn 10.000m2 đất, đóng góp 2,2 tỷ đồng. Tới nay, xã đã có đường bê-tông hơn 10km đường trục xã, 1,5km đường trục thôn, gần 1,4 km đường ngõ xóm và trên 1,1 km đường nội đồng.
Chính nhờ vào hệ thống đường giao thông như vậy nên diện mạo của xã thay đổi, bà con thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất. Toàn xã hiện có 12km kênh mương thủy lợi, trong đó gần 8km kênh mương đã được kiên cố. Nguồn nước tưới đã thuận lợi, năng suất cây trồng của xã nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 21,9%. Tới nay nhiều hộ trong xã đã mua được máy cày, điều mà trước kia không ai nghĩ tới.
Hiện Mường Vi đang phấn đấu hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng NTM, đó là các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, phấn đấu cuối năm nay sẽ về đích NTM.
Cũng giống như Mường Vi, hiện xã Cốc Mỳ (cũng thuộc huyện Bát Xát) đang tập trung nguồn lực xây dựng NTM. Ngay từ đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm gắn với phong trào thi đua chuyên đề, tích cực vận động bà con với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.Trong năm nay, xã sẽ thi công tuyến đường Tả Liềng - Ngải Thầu dài 5,8km, phấn đấu đến cuối năm đổ xong bê-tông 2km, rải cấp phối 3,8km.
Năm nay Cốc Mỳ đăng ký 2 thôn Vĩ Kẽm và Bầu Bàng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Ở đây, cũng áp dụng phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tới nay toàn xã đã đạt 6/19 tiêu chí. Riêng đối với thôn Vĩ Kẽm và Bầu Bàng, đã đạt 10 tiêu chí.
Thành công từ xây dựng lòng tin
Tới thôn Nam Hải (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) hôm nay, người ta ngỡ ngàng trước những ngôi nhà kiên cố, đường làng, ngõ xóm được bê-tông bằng phẳng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang…
Để có được thành quả ấy là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của bà con, nhưng một phần cũng là do sự nhiệt huyết của cán bộ thôn- sự gương mẫu đi đầu và nghiêm túc thực hiện. Trách nhiệm người có uy tín trong cộng đồng được đề cao cùng với việc xây dựng lòng tin với nhân dân bằng tính dân chủ, công khai, minh bạch. 7 thành viên Ban phát triển thôn đều gương mẫu, sắn tay cùng bà con, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong mục tiêu xây dựng NTM.
Người dân đã tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động vì mục tiêu chung. Có được việc này chính nhờ vào việc xây dựng được lòng tin trong nhân dân, từ đó việc huy động sức dân tham gia xây dựng NTM gặp thuận lợi. 5 năm qua, người dân thôn Nam Hải đã đóng góp, ủng hộ trên 200 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà văn hóa; hiến trên 3.000m2 đất, đóng góp 200 ngày công lao động...
Đáng chú ý, thôn Nam Hải là thôn đầu tiên của xã Sơn Hải áp dụng mô hình “Nhà sạch- Vườn đẹp”. Mô hình được thành lập từ năm 2014, với sự tham gia của 29 hộ gia đình, đến nay đã có 15 hộ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong thôn được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của thôn hơn 20 triệu đồng/năm.
Tới nay, có thể nói, chủ trương xây dựng NTM ở Lào Cai đã có bước tiến rõ rệt. Trong điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, thì những thành quả ấy là rất đáng trân trọng.