Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng sau gần nửa thế kỷ, hiện nay vùng đất phía tây bắc của TP HCM không chỉ phát triển vượt bậc mà còn tạo thành một trung tâm kinh tế, động lực mới với nhiều mũi nhọn đặc thù riêng. Trong đó, các sản phẩm chủ lực như nông sản công nghệ cao, du lịch sinh thái, bò sữa, đô thị vệ tinh... được kỳ vọng sẽ tạo ra một “thành phố hoàn toàn khác” trong lòng TP HCM hiện đại, năng động.
Quá khứ hào hùng
Nếu vùng đất Củ Chi có hệ thống địa đạo nổi tiếng khắp thế giới trong thời kỳ chiến tranh du kích và là vùng đệm vô cùng quan trọng để quân và dân ta từ các vùng chiến khu, Trung ương cục tiến về giải phóng Sài Gòn thì vùng đất Hóc Môn liền kề cũng có lịch sử đấu tranh hào hùng không kém. Địa danh 18 thôn vườn trầu trong một thời gian dài từng là nỗi kinh hoàng của kẻ thù. Ngày nay, cả 2 vùng đất này đều vẫn còn nguyên vẹn những chứng tích chiến tranh năm xưa. Nhiều khu vực địa đạo, thôn vườn trầu còn được người dân, chính quyền địa phương gìn giữ để khai thác du lịch.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ven sông Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Viện, 61 tuổi - trú tại đường Bến Than (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) chia sẻ, từ ngày bà còn trẻ, chiến tranh ở khu vực này đã rất ác liệt. Bộ đội giải phóng từ rừng chiến khu ở bên Tây Ninh, Đồng Nai thường xuyên hoạt động trong vùng, được bà con nhân dân hết lòng che chở. Sau đó 2 anh trai của bà cũng tham gia hoạt động cách mạng, còn bà làm vai trò tiếp tế thực phẩm, che giấu các anh. Giải phóng miền Nam, cũng như nhiều người phụ nữ khác, bà Viện lấy chồng và tiếp tục gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến rất nhiều sự đổi thay. Từ chỗ là ruộng đồng hoang vu, đường đất lầy lội, hiện nay tất cả những con đường ở đây đều được trải nhựa, thậm chí có mấy làn xe chạy thẳng về thành phố.
Hiện mỗi năm địa phương này cung cấp cho thị trường hơn 200.000 tấn rau, 8.000 tấn thủy sản, 110.000 tấn sữa bò tươi cùng 35.000 tấn thịt các loại và 22,5 triệu cành lan.
Ngoài quy hoạch là vùng trọng tâm nông nghiệp công nghệ cao, huyện Củ Chi còn là nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút đông đảo công nhân, người lao động tới làm việc. Đặc biệt, dù chưa chính thức hình thành nhưng dự án khổng lồ đại lộ ven sông Sài Gòn kéo dài từ trung tâm quận 1 về huyện Củ Chi dọc theo bờ sông Sài Gòn mấy năm qua được nhiều doanh nghiệp nhen nhóm, kỳ vọng vào một bước đột phá cho vùng đất đặc biệt này.
Dù nằm cách xa trung tâm TP HCM nhưng thực tế, di chuyển dọc theo sông Sài Gòn từ quận 1 về huyện Củ Chi chỉ khoảng 40 km. Nếu hoàn thành, tuyến đường bộ dọc theo sông Sài Gòn sẽ không chỉ thay đổi hoàn toàn vùng “đất thép” Củ Chi mà còn mang đến sự đổi thay mạnh mẽ cho các địa bàn khác như huyện Hóc Môn, quận 12, TP Thủ Đức, Bình Thạnh....
Trong khi đó, huyện Hóc Môn (vùng đất khác còn lại của khu vực phía tây bắc TP HCM) lại chọn hướng đi khác, hòa mình vào dòng chảy đô thị hóa của thành phố. Với vị trí giáp ranh các quận 12, Bình Tân, Bình Chánh... huyện Hóc Môn đang gấp rút chuyển mình với các đô thị, cụm dân cư đông đúc. Dù chưa phát triển đột phá như nhiều khu vực khác nhưng hiện nay, các khu dân, chung cư đang hình thành và gấp rút được xây dựng. Song song với đó, hàng loạt tuyến đường đô thị, quốc lộ cũng được cải tạo, nâng cấp, xây mới để kéo vùng đất này gần hơn với trung tâm thành phố.
Đô thị kiểu mẫu Việt Nam
Thực tế khoảng 10 năm trở lại đây, vùng đất phía tây bắc TP HCM là nơi mà tốc độ đô thị hóa, những dự án hạ tầng đô thị có phần thiếu hụt so với các khu vực khác của thành phố, như phía đông, đông bắc hay phía nam. Thế nên, ngay trong Tháng 4 này, TP HCM đã điều chỉnh quy hoạch tới năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 ở khu vực phía tây bắc với trọng tâm là các gói đầu tư quy mô khoảng 17 tỷ USD của hơn 30 doanh nghiệp ký cam kết đầu tư vào các lĩnh vực như khu đô thị, dân cư, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, du lịch.... Với quy hoạch là đô thị kiểu mẫu Việt Nam, dự kiến khu tây bắc TP HCM sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác so với thời gian qua.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP HCM cho rằng, với gói đầu tư nêu trên, vùng đất phía tây bắc TP HCM sẽ chuyển mình mạnh mẽ, mang một diện mạo hoàn toàn khác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, thành phố cần phải có quy hoạch bài bản, chia các vùng thành những khu vực đô thị, khu sinh thái, nông thôn và khu vùng đệm, bảo vệ không gian xanh sạch cho thành phố nhằm mục đích phát triển hài hòa.
Với nhiều người dân vùng đất tây bắc TP HCM, viễn cảnh nơi đây vươn mình, phát triển mạnh mẽ là điều không quá xa vời, bởi thực tế thời gian qua nhiều dự án đã được định hình. Với ưu thế là tuyến quốc lộ 22, sông Sài Gòn và đường Vành đai 3 đang hình thành, khu vực Tây Bắc không chỉ trở thành trung tâm mới của TP HCM mà còn kỳ vọng là trung tâm của các khu vực lân cận như các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương. Gần 50 năm sau khi chiến tranh qua đi, có lẽ chỉ cần một nửa khoảng thời gian ấy, vùng đất tây bắc sẽ chuyển mình, trở thành trung tâm và là mũi nhọn kinh tế, chính trị đô thị của thành phố mang tên Bác trong tương lai.
Tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư ở khu vực phía tây bắc TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng đất này như “con rồng ngủ quên”. Chủ tịch nước đánh giá cao việc doanh nghiệp góp vốn xây dựng vùng đất này, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp “nói đi đôi với làm”, không được “ký rồi để đó, bội tín”. Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp, giới nhà giàu đầu tư thì chính quyền địa phương cũng tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống chung của nhân dân.