Đội thiếu niên du kích Đình Bảng: Nhìn từ một bộ phim

Từ Khôi 02/01/2021 09:00

Hiện tại, ít có phim truyền hình khai thác về đề tài chiến tranh. Khó đã đành, nhưng cái chính là ít kinh phí. Giữa bối cảnh đó, bộ phim Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đã gây được sự chú ý. Ấp ủ lâu nhưng kể từ khi xây dựng bối cảnh, bấm máy và trình chiếu, thời gian chỉ vỏn vẹn 4 tháng.

Hình ảnh các đội viên hiên ngang trước khi bị xử bắn.

Bạn đọc một thời biết đến tác phẩm “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách. Tác phẩm kể về Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Ngày 7/11/1949 tại lăng Lòng Chảo (nơi an nghỉ của vua Lý Thái Tổ, nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) Đội quân báo thiếu niên được thành lập. Đội gồm 16 đội viên hăng hái, dũng cảm, có nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, làm liên lạc, lấy vũ khí của địch cung cấp cho du kích, giải cứu cán bộ bị địch bắt và vận động binh lính địch trở về với cách mạng. Năm 1952, được đổi tên thành Đội thiếu niên du kích Đình Bảng.

Trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1954, Đội có 61 người. Các đội viên đã anh dũng tham gia kháng chiến và giành được nhiều chiến công vang dội như xâm nhập vào đồn bốt của giặc bí mật lấy được của địch nhiều đạn dược, 13 khẩu súng các loại, một máy thông tin bộ đàm, hàng trăm hòm ắc qui, 10 gánh dây điện, 250 m vải bạt, 300 lít dầu mỡ, hàng trăm quả lựu đạn để chuyển lên cho bộ đội địa phương lấy vũ khí đánh giặc. Đội 8 lần dẫn đường bảo vệ và giải thoát cho 42 cán bộ chiến sĩ thoát khỏi trại tù của địch; vận động 115 lính ngụy bỏ hàng ngũ giặc trở về với cách mạng; phối hợp với du kích tiêu diệt 15 tên địch (trong đó có 2 sĩ quan), làm bị thương 17 tên và bắt sống 1 lính lê dương. Đội đã giải thoát cho đồng chí Tỉnh đội trưởng tỉnh Bắc Ninh và đồng chí Chủ tịch huyện Từ Sơn thoát khỏi tay giặc. Đặc biệt là chiến công cắt phá dây dẫn nổ, cứu nhà dân và đình làng Đình Bảng vào cuối tháng 4/1954…

Với những thành tích nổi bật, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng vinh dự được Bác Hồ khen ngợi (năm 1952), Chính phủ tặng Huân chương chiến công hạng Nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng” (năm 1955); Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng cờ “Tuổi trẻ vì hòa bình” (năm 1956)…

Sau khi cuốn truyền vừa của nhà văn Xuân Sách ra mắt năm 1966, tiếng vang về Đội thiếu niên du kích Đình Bảng càng lan xa. Đội được Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tặng cờ “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng sáng mãi trong lịch sử đội ta” (năm 1999); nhiều đội viên được tặng thưởng Huân, Huy chương và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2009, Đội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Từ cuốn truyện vừa của nhà văn Xuân Sách, NSND Nguyễn Hữu Phần và NSƯT Phi Tiến Sơn đã chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Thế nhưng, kịch bản đã nằm trong ngăn kéo hàng chục năm trời. Bà Đỗ Lan – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và truyền thông IDE cho biết: “Cơ duyên đến khi tỉnh Bắc Ninh đồng ý giao Sở VHTTDL Bắc ninh đầu tư làm phim, tất nhiên là kèm theo một số điều kiện. Và tôi đã mời NSƯT Trần Vịnh làm đạo diễn”.

Trần Vịnh trước nay nổi tiếng là người làm phim nhiều nhất về đề tài chiến tranh cách mạng. Tính đến nay ông đã thực hiện 568 tập phim của 56 bộ phim truyện về đề tài truyền thống cách mạng người lính và chiến tranh. Trần Vịnh đã giành 31 Giải thưởng Quốc gia và Quốc phòng, liên tục chiếm lĩnh các màn ảnh nhỏ, các đài truyền hình trong cả nước. Năm 2014, ông được Bộ Quốc phòng trao tặng giải thưởng “Người làm nhiều phim chiến tranh nhất Việt Nam”.

Tại buổi họp báo ra mắt phim ngày 22/12/2020 tại TP. Bắc Ninh, đạo diễn Trần Vịnh chia sẻ: “Tháng 7/2020, giữa cái nóng oi bức mùa hè, tôi quyết định tạm ứng hơn 700 triệu trước để làm phim. Tôi phải chớp thời cơ vì lo ngại dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Lúc đó ở Hải Dương mới bị cách ly. Nếu phải cách ly vài tháng thì năm 2020 phim không xong được. Khi quyết tâm rồi thì đi chọn cảnh. Điều khó khăn nhất là Đình Bảng bây giờ giàu quá. Bối cảnh xưa không còn. Chúng tôi phải dựng các nhà, đồn, bốt để quay. Bối cảnh được chọn ngoài Đình Bảng còn có thêm ở xã Tam Giang huyện Yên Phong”.

Trở ngại mà đạo diễn Trần Vịnh e ngại là kiếm đâu ra những diễn viên vừa gày gò vừa chất phác nông dân lại vừa biết “diễn”?. Rồi sáng kiến nảy ra mách bảo Trần Vịnh sao không chọn diễn viên ở trường xiếc?. Các em vừa trẻ, vừa từ nhiều miền quê và có khả năng nhào lộn, múa võ. Thế là Trần Vịnh đã chọn được dàn diễn viên. Và sau này, khi phim chiếu ra mắt cho người dân Đình Bảng, trong đó có một số ông thời trẻ từng là thiếu niên trong đội đã thốt lên giống mình quá. Để có thành công đó, dàn diễn viên trước khi nhận vai diễn không chỉ đọc kịch bản mà còn được đạo diễn cùng ekip kể lại câu chuyện có thật về Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng để hiểu câu chuyện, yêu nhân vật của mình. Bên cạnh kỹ năng diễn xuất, các em cũng rèn luyện nhiều kỹ năng khác như: Cưỡi trâu, bơi lội trong thời gian lâu nhất, thổi sáo, múa võ... Chính vì sự yêu mến tác phẩm và các nhân vật (đội viên) trong câu chuyện, các đội viên trong phim đã lột tả thành công tính chân thực của đội Thiếu niên Du kích Đình Bảng năm nào. Diễn viên Trịnh Hoàng Hà vai Đội phó cho biết: Những động tác nhào lộn, múa võ không phải là trở ngại với các em. Cái khó là diễn xuất sao cho đạt được với tâm trạng của nhân vật. Chi tiết em ưng ý nhất là đột nhập vào nhà Đội Đỗ. Còn diễn viên chèo Lỗ Thị Bích Phương vai Thư – Trưởng ban công tác đặc biệt của đội chia sẻ: Em rất vui khi được mời tham gia phim, dù khi đóng không ít lần bị đạo diễn la mắng.

Về diễn viên đóng vai sĩ quan Pháp Lơ Rát thì Trần Vịnh đã ém sẵn. Đó là Charles Winston, một người Mỹ đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm, thạo tiếng Việt. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Đại Đoàn kết, Charles Winston cho biết anh đang theo nghề MC và diễn viên ở Việt Nam. Hiện tại, đây là vai thứ hai trong phim truyền hình của anh. Phim truyền hình trước anh cũng được Trần Vịnh mời để diễn xuất trong phim Giọt nước dòng sông, bối cảnh quay ở Hải Phòng. Charles Winston cho biết, khi diễn anh thực sự xúc động trước sự hy sinh của những thiếu niên. Nhưng bề ngoài anh phải tỏ ra độc ác. Thậm chí anh đã cả gan sáng tạo ra chi tiết cáu giận, vung chân đá, và thậm chí nhổ nước bọt vào người lính không chịu phục tùng. Để vai diễn đạt được hiệu quả, Charles Winston cho biết, anh không ngại mất thời gian để lồng tiếng cho nhân vật Lơ Rát. Cảnh quay khiến Charles Winston xúc động nhất là cảnh xử bắn hai thiếu niên. Anh đã tát người lính khi thổi kèn tiễn đưa các đội viên trước khi bị bắn. Người lính bị tát từ từ cúi xuống nhặt kèn rồi từ từ đưa lên môi thổi tiếp… Chính đạo diễn Trần Vịnh trước đó cũng chia sẻ với phóng viên rằng đó là cảnh ông thấy “đã” nhất trong phim.

Quay phim đã quay cận cảnh hình ảnh người lính thổi kèn với cung bậc cảm xúc đóng rất đạt của diễn viên. Trần Vịnh nói: “Ngay khi cảnh quay xong, tôi quyết định thưởng nóng cho mấy diễn viên”. Vậy là một đạo diễn với những đại cảnh hoàng tráng, “cháy nổ tan tành” lại tâm đắc với cảnh quay đặc tả diễn xuất của một, hai diễn viên thì kể cũng thú vị.

Bộ phim gồm 5 tập, 45 phút/tập, bộ phim truyện truyền hình Đội thiếu niên du kích Đình Bảng được đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Đây là mức kinh phí cao hơn so với các phim truyền hình về đề tài đương đại. Trần Vịnh cho biết: Lợi thế của ông là phục trang được ông sưu tầm, may từ nhiều năm trước. Hiện tại phần lớn phục trang này được để ở thôn Tu Lễ, xã Tân Lãng, huyện Lang Tài, Bắc Ninh.

Nói về cảm xúc khi xem xong 5 tập phim, AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn - nguyên mẫu của vai Dìn trong phim nói: Bộ phim tuy không tuân thủ đúng các sự việc mà các nguyên mẫu đã hành động, và cũng không tuân thủ 100% theo tác phẩm văn học, nhưng tôi thấy ưng ý về nhân vật Dìn.

Về sạn trong phim, tất nhiên không thể không có ít nhiều. Tuy nhiên, xét về nhiều khía cạnh như kinh phí, bối cảnh, diễn viên, đạo cụ… thì một bộ phim như Đội thiếu niên du kích Đình Bảng cũng là một điểm sáng trong phim truyền hình hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đội thiếu niên du kích Đình Bảng: Nhìn từ một bộ phim