Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện thông qua đối thoại, thông tin hai chiều tạo động lực cho người lao động làm việc, năng suất cao hơn. Song hiện việc đối thoại được các doanh nghiệp áp dụng theo kiểu “đối phó”.
Đối thoại tại nơi làm việc chưa được doanh nghiệp chú trọng (Ảnh: Hương Giang).
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 26-12.
Đối thoại tại nơi làm việc là việc làm nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần giảm tranh chấp lao động tập thể trong từng doanh nghiệp.
Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do chủ sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng 1 lần để trao đổi, thảo luận về các vấn đề sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc...
Khảo sát tại 139 doanh nghiệp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, tập trung nhiều nhất là tình hình sản xuất kinh doanh, tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động, chế độ an toàn vệ sinh lao động, đào tạo, việc làm…
Trong số các doanh nghiệp tổ chức đối thoại, có 30% doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ 1 tháng/lần, 52% doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, 4% tổ chức 6 tháng/lần và 14 doanh nghiệp tổ chức 1 năm/lần.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng các hình thức thực hiện dân chủ khác, phát huy quyền dân chủ của các bên trong quan hệ lao động, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về lao động tiền lương: trên 90% lao động đã ký kết hợp đồng lao động, 60-70% DN xây dựng thang, bảng lương; 60% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tỷ lệ các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện còn thấp.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế cho thấy, nội dung các bản quy chế của các DN cơ bản là sao chép Nghị định 60/2013/NĐ-CP, chưa cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp, chưa quy định nội dung cụ thể, cơ chế vận hành và phương thức, trách nhiệm của các bên trong thực hiện các hình thức dân chủ cơ sở.
Đáng chú ý, tại các cuộc đối thoại và hội nghị người lao động chủ yếu tập trung vào giải quyết quyền lợi của người lao động, chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xác định nội dung đối thoại, phân công trách nhiệm của các bên trong việc chuẩn bị nội dung đối thoại.
Thậm chí có doanh nghiệp đối phó với cơ quan quản lý nhà nước khi tiến hành kiểm tra bằng cách lập biên bản đối thoại định kỳ có đại diện của hai bên ký, đóng dấu nhưng nội dung biên bản ghi là “không có nội dung để đối thoại”- ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết.
Từ những hạn chế trên, đại diện các Sở LĐTB&XH cho rằng, Nghị định 60 cần được sửa đổi theo hướng điều chỉnh lại phạm vi doanh nghiệp phải xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (quy định định áp dụng đối với doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên).