Đối thoại với dân

Vũ Lân 27/04/2017 08:35

Cách đây gần 20 năm, vào 6 tháng cuối năm 1997, tình hình Thái Bình rất phức tạp, nhiều khiếu kiện tập thể, biểu tình ở chỗ này, chỗ kia, hiện tượng người giữ, hủy hoại phương tiện, bắt giữ của cán bộ thực thi công vụ xảy ra ở một số nơi, mà nổ ra sớm nhất là ở Quỳnh Hồng và “nóng” nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất là ở xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị đã phải xuống Thái Bình để nắm và giải quyết tình hình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc, đối thoại
với người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), ngày 22/4.

Trong 2 năm, đồng chí Phạm Thế Duyệt đã liên tục xuống Thái Bình không dưới 50 lần để lãnh đạo, chỉ đạo, gặp gỡ cán bộ, đảng viên, người dân ở Thái Bình. Đối thoại là giải pháp trước tiên để giải tỏa căng thẳng, bức xúc của người dân. Thông qua đối thoại, người lãnh đạo Đảng đã hiểu tình hình quần chúng, nhân dân, từ đó hiểu được người dân suy nghĩ, bức xúc về vấn đề gì, vì sao có xảy ra những vụ việc phức tạp đó. Chính nhờ có đối thoại của những người lãnh đạo các cấp với dân, tình hình ở Thái Bình dần dần ổn định.

Sau vụ việc ở Thái Bình, Đảng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm và vào tháng 2/1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương khóa VIII đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau đó Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh, quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cả nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nhiều nơi vẫn còn rất hình thức.Vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề có nhiều bất cập, bức xúc, nổi cộm ở nhiều nơi, có đến 80% các vụ khiếu kiện đông người vượt cấp liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng.

Còn ở TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh được coi là người lãnh đạo chịu khó, tích cực đối thoại với nhiều tầng lớp nhân dân, được người dân ủng hộ, quý mến. Có nhiều cuộc đối thoại của đồng chí Nguyễn Bá Thanh liên quan đến giải phóng mặt bằng vào năm 2009, khi dự án rộng hơn 420ha, giải tỏa trắng ở khu vực các xã Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh, Cồn Dầu- trong đó Cồn Dầu là giáo xứ toàn tòng. Khi thực hiện Dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân, trong khi đa phần người dân ở các khu vực khác đều chấp hành chủ trương giải tỏa thì một bộ phận giáo dân Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời và Cồn Dầu trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đỉnh điểm của vụ việc là tại một đám tang, một số đối tượng quá khích dùng dây sắt xích quan tài lên xe bò, định đưa xe vào thành phố, gây náo loạn…

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã chủ trương kiên quyết không dùng đến “giải pháp mạnh”, mà kiên trì đối thoại với nhân dân, với chức sắc ở giáo xứ. Có lần, đồng chí Nguyễn Bá Thanh mang theo chai rượu, đến nhà một vị chức sắc chuyện trò, đàm đạo bằng được thì mới thôi.

Có lần, bay từ Hà Nội về, đồng chí đi thẳng đến trụ sở UBND phường Hòa Xuân để đối thoại với người dân. Có lần phường phát 400 giấy mời các hộ dân thuộc giáo xứ đến phường đối thoại, nhưng đồng bào không đến, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đích thân xuống tận khu vực bà con cư trú để đối thoại, thuyết phục. Cuối cùng thì bà con cũng đã ủng hộ chủ trương của Thành phố, di dời, giải phóng mặt bằng.

Ngày nay, những câu chuyện ở Cồn Dầu đã đi vào dĩ vãng, ngay cả những người từng một thời phản đối quyết liệt Dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân thì nay lại trở thành những người gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Còn hình ảnh đồng chí Nguyễn Bá Thanh, một mình một xe xuống cơ sở đối thoại nhiều lần với mọi tầng lớp nhân dân Đà Nẵng thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí người dân.

Cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung với đại diện người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, đã giải tỏa được sự căng thẳng, ngột ngạt, bức bối của người dân. Sau đối thoại, cả người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội lẫn những người dân và cả những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô đều thấy nhẹ nhàng, thờ phào nhẹ nhõm, thậm chí hồ hởi cảm ơn, cúi chào, ôm hôn, bắt tay nhau. Nhiều người ví, cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội với người dân Đồng Tâm vừa qua giống như “trời đang nắng hạn gặp mưa rào”. Chỉ qua mấy giờ sau khi người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội đích thân xuống hiện trường và đối thoại với dân mà như có “phép màu” giải tỏa sự căng thẳng, bức xúc diễn ra trong cả một tuần.

Trong thời gian vừa qua, ở nhiều nơi khi xảy ra “điểm nóng”, bức xúc, nổi cộm trong các tầng lớp nhân dân, thế nhưng chỉ qua một vài lần đối thoại giữa những người lãnh đạo có thẩm quyền, trách nhiệm thì hầu hết các “điểm nóng” đều được “giải nhiệt”, nhiều vấn đề nổi cộm của người dân được tháo gỡ, giải quyết. Vậy, tại sao ở nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chưa tích cực, thường xuyên đối thoại, tiếp xúc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở? Qua các cuộc đối thoại có thể rút ra một số vấn đề mấu chốt:

- Mặc dù chúng ta đã có Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân của những người đứng đầu chính quyền các cấp, nhưng xem ra việc thực hiện còn “được chăng hay chớ” thậm chí có không ít cán bộ lãnh đạo còn tránh mặt dân. Trong khi đó, việc tiếp dân rơi vào 3 trạng thái chính: Thứ nhất, những cán bộ được phân công tiếp dân không đủ thẩm quyền, năng lực, uy tín để giải quyết sự việc; Thứ hai, sự đùn đẩy trách nhiệm, hi vọng “để lâu… hóa bùn”, tiếp dân cốt để “cho êm”; Thứ ba, giải quyết những vụ việc rất phức tạp, mất thời gian, “quýt làm, cam chịu” mà thường là không có “bổng lộc” gì; Thứ tư, sự quan liêu, xa dân, vô trách nhiệm của không ít cán bộ không hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân đã khiến họ trở nên “vô cảm”, không biết đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân và thậm chí, uất ức nỗi uất ức của dân;

- Để nhiều vấn đề được giải quyết ngay từ cơ sở, lúc nó còn manh nha thì cần coi việc đối thoại, tiếp xúc, gần gũi với dân là việc làm thường xuyên, định kỳ để cán bộ gắn bó với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, giải quyết bức xúc, nối cộm không để trở thành “điểm nóng”, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài;

- Công khai, minh bạch những vấn đề liên quan đến dân, nhất là trong chính sách quy hoạch, sử dụng đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng hay công khai những vấn đề liên quan đến cán bộ để người dân biết sự thật để theo dõi, giám sát, kiểm tra...ngay từ cơ sở;

- Đối thoại trực tiếp giữa cán bộ lãnh đạo với người dân chẳng những làm cho cán bộ lãnh đạo hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người dân mà còn giúp nhân dân trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” cán bộ lãnh đạo trả lời, xử lý những vấn đề mà nhân dân nêu ra mà còn giúp cán bộ cấp trên trực tiếp kiểm nghiệm được uy tín, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp dưới, những người đứng đầu tổ chức, địa phương, đơn vị.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Đó là thái độ thật sự cầu thị khi đối thoại giữa cán bộ lãnh đạo với dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối thoại với dân