Dự báo đến cuối năm, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng. Thương mại điện tử đang ở giai đoạn phát triển "nóng", vấn đề đặt ra là cần hướng đi nào để thương mại điện tử phát triển theo chiều sâu, bền vững?
Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Shopee, TikTok Shop, Lazada, Sendo và Tiki cán mốc hơn 71,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có sự góp sức đặc biệt của hàng triệu phiên livestream bán hàng.
Dễ dàng quan sát, tìm hiểu về công dụng của sản phẩm, lại nhận được nhiều khuyến mại hấp dẫn với mức giá phù hợp, miễn phí vận chuyển...
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, chị Phương Dung (35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã “chốt đơn” thành công được một chiếc quạt cây có giá là 530.000 đồng, bên cạnh đó còn được tặng kèm một chiếc quạt đeo cổ. Chị Dung cho biết, chiếc quạt này có giá gốc là 1,3 triệu đồng, nhưng trong phiên livestream, khi người tiếp thị sản phẩm “lên deal” (đưa mặt hàng lên livestream với giá mới tốt hơn - PV) chị đã nhanh chóng đặt hàng, trở thành 1 trong 20 người mua được quạt giá tốt mà chất lượng vẫn được đảm bảo bởi nhãn hàng.
Chị Dung cho biết thêm, đã nhiều lần mua sắm qua livestream không chỉ vì nó tiện lợi mà còn mua được sản phẩm chính hãng với giá tốt. “Xem livestream rồi mua sắm đã giúp tôi tiết kiệm kha khá thời gian đi lại. Trên livestream, người bán hàng còn thân thiện mời chào, giới thiệu với khách công năng của sản phẩm. Ngoài ra thì các đánh giá của người mua trước cũng được nhãn hàng công khai nên tôi khá tin tưởng mà lựa chọn mua nhiều mặt hàng qua livestream” - chị Dung nói.
Từ thực tế, theo bà Lê Minh Trang - Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ, mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng thoát được tâm lý không phải xếp hàng; được trả lời nhanh câu hỏi sản phẩm còn hay không lại có ngay phương thức vận chuyển và thanh toán thuận tiện…
Hơn nữa, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến cùng với khả năng dễ dàng đổi trả sản phẩm, thông tin và chất lượng sản phẩm chính xác cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt… đã thúc đẩy hành vi mua sắm online, giúp người tiêu dùng cắt giảm được nhiều chi phí.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, nhiều sàn thương mai điện tử (TMĐT) đang chạy đua đẩy mạnh bán hàng theo hình thức livestream. Những con số trên thực tế cũng cho thấy sự bùng nổ của việc bán hàng qua livestream đem lại nhiều lợi ích cho các sàn TMĐT. Tại Việt Nam, 3 nền tảng livestream phổ biến nhất là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và Tiktok (17,2%).
Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Tỷ lệ mua hàng qua kênh livestream ngày càng tăng khi có tới 76% người tiêu dùng quyết định mua sắm/sử dụng dịch vụ dựa trên đề xuất của người dùng cũ.
Trong đó, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho nhiều nhất, với tổng cộng chiếm trên 70% toàn thị trường. Tại các địa phương, tình hình kinh doanh trên sàn TMĐT cũng cho thấy những tín hiệu tích cực, tổng doanh số và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%.
Theo dự báo của Metric, trong quý II/2024 tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra.
Có thể thấy, mua sắm theo hình thức lựa chọn sản phẩm trên livestream ở các sàn TMĐT hiện đang là xu hướng và là hình thức giúp người bán thu về lợi nhuận rất cao. Nhà nhà livestream, người người livestream, thậm chí còn có cả một chương trình thực tế về livestream bán hàng - “Ngôi sao chốt đơn” với sự tham gia của nhiều TikToker nổi tiếng. Từ đây, “đòn bẩy” livestream sẽ là một điểm tựa khá vững chắc cho các sàn TMĐT trong thời điểm này.
Với lợi thế của livestream trên các sàn TMĐT, nhiều doanh nghiệp đang từng bước đưa sản phẩm, thương hiệu của mình tới nhiều thị trường hơn. Hơn nữa, đây còn là “mảnh đất màu mỡ” để quảng bá và giới thiệu hàng Việt, sản phẩm xanh.
Khởi động từ tháng 4/2023, dự án “Tôn vinh Nông sản Việt” đánh dấu màn hợp tác đầu tiên của Shopee, ShopeeFood và FoodMap - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm từ nông nghiệp. Với vai trò đối tác chiến lược của dự án, FoodMap được Shopee hậu thuẫn tối đa để quảng bá các sản phẩm nông đặc sản Việt, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGAP đến người dùng TMĐT thông qua hình thức bán hàng xu hướng livestream trên Shopee Live.
Doanh nghiệp được tạo điều kiện kết hợp với hơn 20 KOL (người có sức ảnh hưởng) tên tuổi để thực hiện livestream tại studio, tổ chức được nhiều hoạt động đi thăm kho phân phối, tìm hiểu khâu thu hoạch ngay tại vườn và cùng lan tỏa rộng rãi trên báo chí lẫn mạng xã hội. Điều này tạo ra hiệu quả quảng bá và kích cầu mua sắm nông sản Việt theo cách gần gũi, tiếp cận được đông đảo khách hàng, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ quen thuộc với công nghệ.
Trên một sàn TMĐT khác là TikTok Shop, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện Tiktok Việt Nam cho biết, trong năm 2023, TikTok Shop đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) và Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn) triển khai chương trình Chợ phiên OCOP.
Qua đó, ghi nhận doanh thu 100 tỷ đồng với 800 phiên livestream, giới thiệu và quảng bá nhiều đặc sản, thương hiệu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ địa phương.
Với thành công từ chiến dịch Chợ phiên OCOP, TikTok tiếp tục phối hợp nhằm nhân rộng quy mô, giới thiệu, quảng bá, đa dạng và số hóa thương mại cho các sản phẩm hàng nội địa trên nền tảng TMĐT.
Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn cách thức livestream giới thiệu và bán sản phẩm cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng địa phương. Bên cạnh đó, các bên sẽ phối hợp tổ chức chuỗi đào tạo offline kết hợp online về xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho nhà bán hàng tại các tỉnh, thành, vùng kinh tế trên khắp cả nước.
Song song với đó là sáng kiến thúc đẩy các sản phẩm xanh, bền vững, thân thiện môi trường cũng được ra mắt. Theo đó, các sản phẩm sẽ được gắn nhãn #HiGreen, hiển thị trong tab #HiGreen trên Shop Tab, và áp dụng các chương trình sale ưu đãi vào thứ bảy hằng tuần.
Những lợi ích thu về từ việc livestream thời gian qua đã giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp, khách hàng, nâng cao uy tín của các sàn TMĐT. Tuy nhiên đó chỉ là một phần để hướng tới phát triển TMĐT bền vững.
Trên con đường dài của TMĐT Việt Nam vẫn còn đó nhiều hạn chế, chẳng hạn như: vấn đề vi phạm người tiêu dùng trong TMĐT còn khá phổ biến; hay TMĐT Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn, vẫn còn khoảng cách đối với các địa phương...
Việt Nam hiện đang tích cực hoàn thiện và phát triển TMĐT, với mục tiêu trở thành 1 trong 4 quốc gia lớn ở Đông Nam Á vào năm 2025; tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất.
Dự báo tốc độ phát triển TMĐT của Việt Nam năm 2025 có thể lên đến 29% và tổng quy mô thị trường có thể đạt mức 39 tỷ USD - theo nghiên cứu của Statista.
Với lợi thế dân số 100 triệu dân, TMĐT Việt Nam đang là điểm sáng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với việc Việt Nam cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế đã tạo “đòn bẩy” cho TMĐT tiếp tục bứt phá. Từ đó TMĐT Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự đầu tư của các công ty nước ngoài, trong đó đầu tư nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Không chỉ vậy, các nền tảng TMĐT nước ngoài cũng đang dần “bước chân” vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba… với hình thức mua sắm trực tuyến dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp và nhiều chương trình ưu đãi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TMĐT Việt Nam hiện vẫn chưa đi theo con đường phát triển bền vững. Ông Đỗ Hữu Hưng - Giám đốc điều hành nền tảng tiếp thị Access Trade chỉ ra rằng, các nền tảng TMĐT có cơ hội phát triển rất lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hậu cần TMĐT chưa theo kịp nhu cầu thị trường và niềm tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến còn thấp...
Còn theo phân tích của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), những yếu tố chính của sự không bền vững là khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường. Trên thực tế, khoảng cách phát triển TMĐT giữa hai thành phố Hà Nội và TPHCM với 61 địa phương khác rất lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu và TMĐT gây tác động ngày càng xấu tới môi trường.
Để TMĐT Việt Nam đạt được thêm nhiều thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới cần đưa ra những giải pháp thiết thực từ cơ chế quản lý đến chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán hàng trên sàn TMĐT.
Ngoài ra cần giải quyết các vấn đề xung quanh như nguồn nhân lực, khoảng cách giữa các vùng, sản phẩm hướng tới mục tiêu phát triển xanh... thì mới mong đi được đường dài và giữ vững “phong độ”.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): 4 yếu tố để thương mại điện tử phát triển bền vững
Theo tôi, có 4 yếu tố để TMĐT phát triển bền vững.Thứ nhất, phải duy trì một tốc độ tăng trưởng của TMĐT tích cực, ổn định. Thiếu một trong hai yếu tố tăng trưởng tích cực, hoặc ổn định thì không có sự bền vững trong phát triển TMĐT. Thông qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo tính thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội; các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai, các bên liên quan như các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước, gương mẫu, đi đầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước ứng dụng TMĐT để giúp cả xã hội đều có thể Go Online, sử dụng lợi thế của thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, cần đạt được sự cân bằng và hài hòa. Cân bằng và hài hòa ở đây là hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng TMĐT, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng... Đồng thời, thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển TMĐT giữa các vùng miền. Đảm bảo liên kết vùng trong phát triển TMĐT.
Thứ ba, phát triển xanh. TMĐT cũng là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Với việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, TMĐT sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí.
Thứ tư, nguồn nhân lực. TMĐT là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh tuy nhiên quy mô nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển của TMĐT. Ước tính, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy, có tới 70% nhân sự TMĐT ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng khiến nhu cầu về nhân lực TMĐT còn rất lớn và nếu không đảm bảo nhân lực cho TMĐT thì rất khó đảm bảo sự bền vững của TMĐT.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Thương mại điện tử cần phát triển theo chiều sâu
Báo cáo Chỉ số TMĐT 2024 đã chỉ rõ những vấn đề đặt ra của TMĐT Việt Nam như phát triển tập trung ở các thành phố lớn; nguồn nhân lực còn hạn chế; gây tác động xấu tới môi trường. Ngoài ra, phát thải bao bì từ hàng hóa chuyển phát qua TMĐT đang ngày càng lớn, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đây chính là những vấn đề của phát triển TMĐT bền vững mà ngành đang đặt ra và tìm giải pháp khắc phục.TMĐT cần phát triển sang giai đoạn mới theo chiều sâu, thay vì phát triển “nóng” như thời gian qua. Tuy khoảng cách số trong thương mại giữa các thành phố lớn và nông thôn đã dần cải thiện, song cần nỗ lực nhiều hơn cả từ phía bộ, ngành, địa phương. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, VECOM sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách và pháp luật hướng tới phát triển bền vững kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, đồng thời, tuyên truyền, vận động cộng đồng kinh doanh trực tuyến tích cực triển khai các hoạt động cụ thể.
Cùng với đó, để TMĐT phát triển bền vững, không thể bỏ qua công tác đào tạo nhân lực cho TMĐT. Đây là việc hết sức quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao để phát triển TMĐT lên tầm cao mới.
Ngoài ra, để đi được đường dài, các doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.