Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua gây thêm nhiều khó khăn trong việc quản lý chất thải bao bì, vật liệu nhựa, cũng như gây tác động tiêu cực tới môi trường.
Rác thải nhựa sẽ lên tới 800.000 tấn/năm
Đây là con số được đưa ra trong báo cáo chất thải nhựa bao bì thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam 2023, do Nhóm tác giả Hiệp hội TMĐT Việt Nam thực hiện. Theo đó, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD, với tổng số gói, kiện hàng hóa là 1,84 tỷ. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hóa trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nylon.
Ngoài ra còn có thể kể đến những loại vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa hoặc băng keo giấy, xốp nylon bong bóng khí hoặc giấy hay thùng carton cắt sợi để chèn hàng hoá, mút xốp hoặc giấy cố định sản phẩm, màng bọc nylon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân huỷ quấn quanh hàng hóa… Trên cơ sở tính toán quy mô bán lẻ trực tuyến và các dữ liệu về số đơn hàng, phân bổ khối lượng đơn hàng, giá trị trung bình của đơn hàng theo các kênh mua bán, mức độ sử dụng bao bì, vật liệu nhựa, có thể thấy năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332.000 tấn bao bì. Trong đó, khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao.
Nguyên nhân chính là việc đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng trong đóng gói rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát. Cụ thể, theo kết quả khảo sát từ một số thương nhân bán hàng, hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được sử dụng để đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt là ngành hàng quần áo, thời trang, phụ kiện có đến 90% thương nhân sử dụng loại bao bì này để đóng hàng. Đa số thương nhân (65%) sử dụng mút xốp hoặc xốp nylon bong bóng khí để chèn sản phẩm. 80% thương nhân thường xuyên sử dụng băng keo nhựa.
Trong khi đó, khảo sát theo các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy, túi nylon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là kênh website, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội. Khi bán hàng đa kênh, số lượng nylon dùng trong đóng gói chiếm tỷ lệ rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh. Theo nhóm nghiên cứu kể trên, nguyên nhân do sự tiện lợi và giá rẻ nên túi nylon được ưa chuộng khi kinh doanh đa kênh online.
Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường
Tại Việt Nam, trong suốt 7 năm qua, TMĐT luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn đưa ra dự đoán rằng, mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Còn theo báo cáo của e-Conomy SEA, quy mô TMĐT năm 2023 của Việt Nam đạt 30 tỷ USD và sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng trưởng 11% và đạt 16 tỷ USD năm 2023, tiếp tục tăng trưởng 22% và đạt 24 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2023, dịch vụ gọi xe, đồ ăn công nghệ tăng trưởng 10%, đạt doanh số trên 3 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 16%, đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Xét riêng dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ, doanh số năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ USD và sẽ đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2025. Đi cùng với sự tăng trưởng là lượng bao bì, túi nylon được sử dụng đóng gói, vận chuyển cho giao thương trực tuyến gia tăng. Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn từ Hiệp hội TMĐT, với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030 quy mô TMĐT Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800.000 tấn/năm.
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Mặc dù việc thực thi đồng bộ các biện pháp từ quản lý nhà nước thông qua quy định pháp luật về sản xuất, quản lý sản phẩm và quản lý chất thải nhựa sau sử dụng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi,… đã mang lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay với sự thay đổi của kinh tế, xu hướng mua hàng trực tuyến đã nảy sinh nguy cơ ô nhiễm môi trường do lượng rác thải nhựa dùng cho hoạt động này.
Chính vì vậy, để giảm thiểu việc tác động xấu tới môi trường của rác thải nhựa từ TMĐT, nhóm chuyên gia tư vấn đưa ra một đề xuất cần thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong TMĐT; ban hành chính sách pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường. Đồng thời, phổ biến tuyên truyền về tác động tiêu cực của rác thải nhựa tới người tiêu dùng trực tuyến; khuyến khích người tiêu dùng tham gia TMĐT xanh; vận động và tư vấn thương nhân, doanh nghiệp cung cấp nền tảng TMĐT và dịch vụ logistics có các hành động cụ thể giảm rác thải nhựa.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT, Bộ Công thương), cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong TMĐT. Khuyến khích doanh nghiệp TMĐT, người bán hàng trong TMĐT áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường.