Xã hội

Nan giải xử lý rác thải nhựa

Hà An 02/03/2024 07:35

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Vấn đề này đang là một bài toán khó đối với môi trường sống hiện nay.

cover.jpg
Đoàn viên thanh niên ra quân chương trình “Hãy làm sạch biển” diễn ra ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Lê Thanh Thu.

Chỉ 27% rác thải nhựa được tái chế

Thông tin dữ liệu được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố, hiện Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế. Bằng chứng cho thấy, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

“Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương”- đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết.

Số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Chia sẻ về thưc trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu thực tế, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Như vậy, nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Đây là một con số rất lớn.

Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD. Theo ông Vượng, với lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường đang gia tăng hàng ngày. Một phần lượng rác thải nhựa này (nhựa có giá trị) đang được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần… đổ ra bãi rác, chôn, lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

anhbaitren.jpg
Lượng rác thải nhựa xả ra môi trường vẫn gia tăng. Ảnh: Nam Anh.

Chuyển động kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường

Để hạn chế xả rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, theo ông Vượng giải pháp căn cơ nhất là đó là thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp (DN) đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Thực tế hiện nay, phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa ở nhiều địa phương trong cả nước, tạo nên một làn sóng tích cực, là nguồn động viên mạnh mẽ cho mọi người tham gia.

Điển hình là câu chuyện lan toả về phong trào chống rác thải nhựa của Đoàn thanh niên huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) với mô hình “Trường học giảm thiểu rác thải nhựa” thông qua việc tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tác hại của túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tập huấn phân loại rác và kiểm toán rác cho học sinh; Chợ giảm thiểu rác thải nhựa/ phiên chợ xanh… Những mô hình này đã thực sự làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng túi ni lông từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Song hành với đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong những năm qua nhiều giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển ngành kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam đã được thực thi, trong đó phải kể đến chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy... Đây là chìa khóa mở cánh cửa để tái chế, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để giảm thiểu rác thải nhựa, phát triển công nghệ tái chế thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu cho các DN tái chế. Có như vậy mới hình thành được khu công nghiệp tái chế rác thải, ngành tái chế khi đó mới phát triển bài bản, khoa học và đảm bảo an toàn.

“Từ đầu năm 2024, theo quy định EPR, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường sẽ chính thức được áp dụng. Các DN sản xuất sẽ có trách nhiệm tái chế sản phẩm và thu gom, xử lý chất thải. DN không thực hiện có thể bị phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Quy định này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa về tăng trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, chúng ta cần giám sát và thúc đẩy quy định này được thực thi đưa vào đời sống”- bà An nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải xử lý rác thải nhựa