Khổ với rác thải nhựa

THANH GIANG 02/10/2023 06:56

Tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời ngày 1/10 về chủ đề: Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa, nhiều người quan ngại khi tỷ lệ sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường quá ít.

Chợ truyền thống vẫn sử dụng lượng lớn túi ni lông khó phân hủy.

Theo thống kê, rác thải nhựa chiếm khoảng 23% tổng lượng rác thải hàng ngày trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, trong khoảng 9.000 tấn rác thải/ngày của thành phố, có 1.800 tấn rác thải nhựa nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi và tái chế.

Tại đường phố, sông, kênh rạch vẫn nhan nhản rác thải nhựa chưa được thu gom và xử lý. Từ trước năm 2019, túi ni lông khó phân hủy bị áp mức thuế rất cao từ 40.000 lên 50.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, túi ni lông khó phân hủy được bán trên thị trường với mức giá rất rẻ, chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần là chủ trương của TPHCM trong nhiều năm qua.

Kết quả, đến năm 2022, hệ thống các siêu thị hiện đại trên địa bàn TPHCM đã cắt giảm 100% túi ni lông khó phân hủy chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên tại chợ truyền thống vẫn sử dụng lượng lớn túi ni lông khó phân hủy và là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa.

Đại diện Ban Quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM cho rằng, túi ni lông khó tiêu hủy vẫn được tiểu thương các chợ dùng nhiều. Lý giải nguyên nhân này, ông Lê Quang Thiện - Trưởng ban Quản lý chợ Tân Định (quận 1) cho biết, thương nhân dùng túi khó phân hủy nhiều vì giá rẻ và dễ tiếp cận nguồn cung, 1kg túi ni lông khó phân hủy chỉ 25.000 đồng. Trong đó, nguồn cung túi ni lông khó phân hủy vẫn chủ yếu từ các cơ sở sản xuất nhỏ, hoặc mặt hàng này được đưa về từ các tỉnh.

Thông tin về tình hình sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2022 các chuỗi siêu thị đã gần như chuyển qua túi ni lông thân thiện với môi trường. Chỉ còn khoảng 0,17% không sử dụng do đựng các loại hàng hóa đặc trưng, đựng hàng số lượng nhiều. Riêng tại các chợ truyền thống, Sở Công thương đặt mục tiêu, năm 2023 có khoảng 65% sử dụng túi thân thiện với môi trường, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ này chỉ đạt 17%. Sở sẽ có đánh giá và đưa ra giải pháp để thí điểm và nhân rộng việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường.

Trong khi túi ni lông thân thiện chưa được sử dụng phổ biến nhưng giá túi ni lông khó phân hủy lại ở mức thấp. Nhiều người đặt câu hỏi: mặt hàng túi ni lông khó phân hủy liệu có được thu thuế đúng và đủ hay chưa? Vấn đề này, được ông Giang Văn Hiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, theo quy định thuế và các nghị định liên quan, bao bì thân thiện sẽ được miễn thuế. Đối với túi ni lông khó phân hủy sẽ phải chịu thuế 50.000 đồng/kg. Việc thu thuế sẽ được thực hiện 1 lần tại nơi sản xuất hoặc nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM khẳng định, những túi ni lông được Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện sẽ được miễn đóng thuế. Túi ni lông khó phân hủy, mức thuế thành phố áp dụng cao nhất là 50.000 đồng/kg. Bà Mỹ cho biết, từ năm 2006, thành phố đã thành lập quỹ tái chế nay gọi là Quỹ Bảo vệ môi trường, hỗ trợ, xúc tiến cho vay ưu đãi các hoạt động thu gom tái chế chất thải. Năm 2013 các mô hình thí điểm giảm sử dụng túi ni lông trên địa bàn cũng đã được triển khai tại các địa bàn của quận Bình Thạnh, quận 5. Đến năm 2014, UBND TPHCM đã ban hành chỉ thị 23 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông.

“Ngày 1/1/2012, Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực với những chính sách hỗ trợ cho túi ni lông thân thiện. Bên cạnh Luật Thuế Bảo vệ môi trường, đối với những túi ni lông được Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường được miễn đóng thuế bảo vệ môi trường. Đây cũng là một chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia vào công tác này” - bà Mỹ dẫn chứng.

Ông Giang Văn Hiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, Cục Thuế sẽ chỉ đạo các Chi cục, các phòng chức năng kiểm soát kỹ việc kê khai thuế đối với túi ni lông khó phân hủy. Tiến hành rà soát xuất xứ hàng hóa, trốn tránh hoặc kê khai thuế nhưng kê khai không đủ. Đồng thời, tuyên truyền hỗ trợ hiểu đúng, đủ về trách nhiệm kê khai thuế bảo vệ môi trường. Sẽ phối hợp với các bên để đề xuất giải pháp với Tổng Cục thuế hoặc cơ quan khác nhằm chống thất thu ngân sách đảm bảo môi trường sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khổ với rác thải nhựa