Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cả nước đang có 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Trong khi đó, Bộ Công thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.
Dù đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, các DN nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế do chi phí sản xuất cao, phần lớn các DN này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công còn thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao… Cùng với đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên các sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%. Tỷ lệ nội địa hóa thấp kéo theo khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỉ USD.
Hơn nữa, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Để tiến lên, đứng ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hợp tác, liên kết của các đối tác từ các nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G nhấn mạnh, để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các DN nói chung và DN ngành công nghiệp Hà Nội nói riêng đã chú trọng vào nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và phải phát triển bền vững. Song vẫn còn ở mức hạn chế cần được đặc biệt chú trọng nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Bởi hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ đạt được khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa Việt Nam. Trong đó, hàng năm phải nhập khẩu con số không thấp hơn 100 tỉ USD linh kiện các ngành điện tử, ô tô, công nghiệp khác và lắp ráp tại Việt Nam.
Theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần xác định những “hạt giống tiềm năng”, có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho DN đầu đàn. Từ đó, những “sếu đầu đàn” này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các DN và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.
Trong khi đó, về phía các DN lại mong muốn giải quyết vấn đề tiêu chuẩn phải đi kèm với đầu ra của sản phẩm. Điều này rất cần đến sự hỗ trợ hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng trong việc kêu gọi đầu tư, tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối... Từ đó, giúp DN nắm được cơ hội, có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và có thể “chen chân” vào đơn hàng của các DN trong chuỗi giá trị toàn cầu.