Cùng với sự kiện Tập đoàn Nvidia (Mỹ) ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu AI tại Việt Nam, TPHCM đã có những động thái “chạy đà” quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nhóm tập đoàn hàng đầu thế giới vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.
Trải “thảm đỏ” để thu hút
Để duy trì vị thế 2 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ngay từ đầu năm nay, TPHCM đã công bố việc lần đầu tiên thu hút được tổng vốn đầu tư rót vào các Khu công nghiệp (KCN) của thành phố (cấp mới và điều chỉnh) vượt mốc 1 tỷ USD (gần gấp đôi kế hoạch 2023) kể từ khi thành lập mô hình KCN trên phạm vi cả nước cho đến nay. Riêng năm 2023, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước khi thu hút được khoảng 5,85 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào các KCN, khu chế xuất (KCX), Khu công nghệ cao (KCNC) và các cụm công nghiệp của đô thị “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Chia sẻ vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Chung - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư thuộc Ban Quản lý KCNC TPHCM cho biết, dự kiến cả năm 2024, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của KCNC thành phố đạt khoảng 20,05 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch đặt ra. Riêng tổng vốn thu hút đầu tư mới đạt hơn 28 triệu USD, đại diện KCNC thừa nhận, đã không đạt chỉ tiêu đề ra do các doanh nghiệp công nghệ cao năm nay gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (doanh thu giảm, nợ lương, nợ bảo hiểm...). Bà Chung cũng cho biết, hiện nay Ban Quản lý KCNC đang cho kiểm tra, đánh giá toàn diện các khó khăn, vướng mắc để chuẩn bị cho đợt thu hút các dòng vốn đầu tư lớn trong năm sau. Cụ thể, dự kiến thành phố sẽ đón 12 dự án đầu tư mới khởi công vào năm 2025, với tổng vốn đầu tư cho các dự án này sẽ vượt mốc 1 tỷ USD. Hiện nay, có 5 dự án trong nhóm này đang thực hiện quy hoạch tổng mặt bằng; 2 dự án đã được thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng; 1 dự án đã được phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Đối với các dự án còn lại cũng đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Hiện nay, Ban Quản lý KCNC đang thực hiện song song các thủ tục đầu tư xây dựng cùng với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án của năm 2025.
Về tình hình đầu tư FDI vào TPHCM, cho đến nay, Nhật Bản đã có 1.767 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 5,88 tỷ USD vào thành phố. Xét về quy mô vốn, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM. Theo ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu tháng 12/2024, đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thành phố ghi nhận được 3,55 triệu USD, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào TPHCM. Kết quả ấn tượng về thu hút FDI từ quốc gia này vẫn còn nhiều tiềm năng và có nhiều khả năng tiếp tục thay đổi vị thế cao hơn. Ngoài Nhật Bản, báo cáo mới nhất về tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận vị thế đặc biệt của TPHCM. Dù bất ngờ xếp sau Bắc Ninh (do đón nhiều “đại bàng” đầu tư), thế nhưng TPHCM vẫn đạt tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước (vượt Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…).
Cơ chế đặc thù để hút dòng vốn lớn
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, xu hướng hiện tại trong thu hút đầu tư nước ngoài là TPHCM sẽ chú trọng định hướng phát triển trung tâm công nghiệp công nghệ cao, với 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Các ngành này, bao gồm sản xuất điện tử; hóa dược, cao su, nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm, đồ uống. Song song đó, thành phố cũng ưu tiên cho 5 ngành công nghiệp công nghệ cao mới, gồm công nghệ sinh học; dược phẩm; tự động hóa - robotics; công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Đối với 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng cũng được TPHCM chú trọng để thu hút đầu tư, bao gồm: Du lịch y tế; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; thương mại điện tử; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ giáo dục; vận tải và logistics.
Để phù hợp với định hướng 2025 và những năm tiếp theo, bà Nguyễn Võ Minh Thư - Phó trưởng Ban Quản lý các KCX, KCN tại TPHCM (gọi tắt “Ban Quản lý”) cho biết, đề án chuyển đổi các KCX, KCN hiện hữu, Ban Quản lý đang xây dựng đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCN có cơ sở thuận lợi trên địa bàn, bao gồm Tân Thuận, Bình Chiểu, Tân Bình, Hiệp Phước và Cát Lái. Đến nay, các KCN, KCX trên địa bàn đã từng bước chuyển đổi, chủ động liên hệ các đơn vị tư vấn để xây dựng đề án chuyển đổi cho từng khu, với hạn định thời hạn hoàn thành vào đầu quý II năm 2025. Về dài hạn, TPHCM sẽ hình thành thêm 800 ha đất công nghiệp để phục vụ thu hút đầu tư vào các KCN chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao. Vừa qua, Ban Quản lý đã phối hợp các Sở, ngành xem xét cơ cấu quỹ đất phát triển công nghiệp. Theo dự kiến, sẽ có 10 KCN mới, với tổng diện tích 2.465 ha hình thành trong thời gian tới.
Để đạt được hiệu quả cao nhất trong thu hút dòng vốn lớn từ đầu tư nước ngoài, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian qua chính quyền thành phố đã tích cực tháo gỡ hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc. Thành phố tái khẳng định về cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ trực tiếp các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là về nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. “Xu hướng 2025 và các năm tiếp theo, thành phố sẽ thu hút mạnh đối với công nghiệp công nghệ cao. Do đó, đề nghị các nhà đầu tư có định hướng chuyển đổi sang ngành công nghệ cao để đáp ứng với định hướng, mục tiêu phát triển của thành phố. Hiện nay, chính quyền thành phố đang tích cực để xây dựng chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này, song song với tập trung phát triển, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số quốc gia” - ông Hoan cho biết thêm.
Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM, thành phố hiện có lợi thế là cơ chế đặc thù Nghị quyết 98 của Quốc hội, nhưng nhiều năm qua, cũng chưa khai thác được hiệu quả. Thêm nữa, dù thu hút FDI đứng đầu cả nước liên tiếp nhiều năm, nhưng 11 tháng đầu năm nay, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bắc Ninh đã vượt qua TPHCM để đứng đầu, “đầu tàu” cả nước bị tụt lại xuống thứ hạng 2. Dù chưa kết thúc năm, nhưng có thể thấy, Bắc Ninh đã rất khéo léo, dù là tỉnh nhỏ, nhưng lại có giải pháp thần kỳ để thu hút các dòng vốn đầu tư lớn. Đối với TPHCM, câu chuyện bao nhiêu năm qua là quỹ đất. Thiếu quỹ đất đang là “điểm nghẽn” lớn nhất khiến TPHCM không thu hút được các dự án lớn. Do đó, để đủ hấp dẫn doanh nghiệp lớn, TPHCM cần tăng quỹ đất, bên cạnh việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghiệp công nghệ cao và quan trọng nhất là nguồn nhân lực cao.