Kinh tế

Dòng vốn FDI chưa lan tỏa như kỳ vọng

H.H 04/11/2024 10:09

Mặc dù khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo ra công ăn việc làm, song giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội để các DN trong nước nhận được chuyển giao công nghệ từ các DN FDI vẫn rất ít.

tren.jpg
Tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI sang khu vực trong nước rất thấp. Ảnh: M.H.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), xét về lợi ích trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ”. Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế đến hết ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN FDI đạt 226,24 tỷ USD chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở chiều nhập khẩu, lũy kế từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN FDI đạt 413,96 tỷ USD

Như vậy cho đến nay, DN FDI vẫn lấn át khối nội, chiếm thế mạnh về xuất khẩu. Đặc biệt, DN FDI góp mặt trong hầu hết các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực, có ưu thế lớn ở các nhóm hàng chục tỷ đô như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - chuyên gia chính sách công nghiệp (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Nhìn theo hướng tích cực, có thể thấy rằng vai trò của FDI với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, nhưng qua đó cũng thể hiện chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI”.

Trong khi đó, có thực trạng là nhiều DN đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vì muốn tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. “Các nghiên cứu chỉ ra rằng DN 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các DN chế xuất. Họ tận dụng các FTA (hiệp định thương mại tự do) để nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu. Như vậy cơ hội để các DN trong nước nhận được chuyển giao công nghệ hay lợi ích là rất ít” – bà Thúy nói đồng thời cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy giá trị gia tăng thấp, thực trạng này đã xảy ra ở Mexico và các nước Nam Mỹ. Những quốc gia mà có nguy cơ mắc bẫy giá trị gia tăng thấp là khi thu hút được FDI nhưng không hình thành được các mối liên kết với nền kinh tế trong nước, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa, tạo ra hiện tượng “hai nền kinh tế trong một nền kinh tế”.

Theo giới chuyên gia, các chính sách thu hút, ưu đãi với khu vực FDI không hợp lý, tình trạng ưu đãi tràn lan, không tập trung vào những ngành trọng điểm hoặc không trúng vào các “khâu” tạo nên giá trị gia tăng cao mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư.

“Đã đến lúc Việt Nam có quyền lựa chọn, có quyền nói “không” với những dự án không đạt yêu cầu không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – bà Thúy nói và cho rằng, đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho DN trong nước. Khi không còn phải cạnh tranh với những “ông lớn” nước ngoài có nhiều ưu đãi, DN Việt sẽ có cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Bên cạnh rất nhiều dự án FDI tốt, thực sự mang lại sức sống cho nền kinh tế thì cũng có vô vàn những dự án nhỏ, DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhưng vì không có những ưu đãi như của DN FDI nên không làm được.

Giới chuyên gia kinh tế đề xuất, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hóa nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một (vài) nhà đầu tư lớn.

Không những thế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với DN trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; bên cạnh đó là môi trường chính sách minh bạch, dài hạn, dễ dự báo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng vốn FDI chưa lan tỏa như kỳ vọng