PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trước dự báo nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường xuất khẩu giảm sút, Bộ Công thương cũng như doanh nghiệp cần chú ý đến thị trường truyền thống lẫn thị trường mới.
PV: Thưa ông, xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, nếu không muốn nói là suy giảm?
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Kinh tế thế giới đang có nhiều biến động. Trong đó, tăng trưởng của hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới đều giảm. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới vẫn để lãi suất cao nhằm chống chịu với tình trạng lạm phát cao. Điều này làm cho lãi suất cao, chi phí sản xuất của các nền kinh tế này nâng lên, sản xuất sẽ bị thu hẹp lại.
Với các quốc gia phát triển, người tiêu dùng rất hay sử dụng tín dụng trong tiêu dùng. Vì thế, khi lãi suất cao, lập tức người tiêu dùng cũng co hẹp việc tiêu dùng lại. Điều này khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có thể sẽ phải giảm đơn hàng là điều khó tránh khỏi.
Vậy giải pháp nào để gỡ khó cho DN xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu nói riêng cũng như tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, thưa ông?
- Theo tôi, Bộ Công thương cần cùng các DN rà soát để nắm lại các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời mở rộng ra các thị trường xuất khẩu mới, giúp hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Bản thân các DN cũng cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc. Quá trình hồi phục và phát triển phải đi đôi với quá trình tái cấu trúc DN. Các DN phải là động lực chính.
Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn cần xem xét tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục để việc xuất khẩu hàng hóa được dễ dàng, nhanh chóng, giữ được chất lượng.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng DN Việt Nam cần tận dụng, phát huy hơn nữa các thị trường mà Việt Nam có được từ những hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP. Vì các thị trường này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam...
- Đúng vậy. Chẳng hạn với EVFTA, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm thực thi nhưng lợi ích mà DN Việt Nam thu về chưa xứng với tiềm năng. Tương tự, chúng ta rất kỳ vọng vào CPTPP, nhiều giải pháp đã được triển khai để thúc đẩy sang thị trường này. Nhưng điều tôi muốn nói là liên kết các DN trong cùng ngành hàng của DN Việt Nam chưa thật sâu, vẫn mạnh ai người nấy làm. DN Việt cần khắc phục điểm này.
Điều nữa, phía cơ quan quản lý là Bộ Công thương cũng cần tăng cường đăng tải trực tiếp, trực tuyến để cập nhật thông tin một cách kịp thời về đơn hàng cũng như nhu cầu của thị trường và thị hiếu để các DN có thể kịp thời nắm bắt. Có thực tế là nhiều DN gặp khó khăn trong xuất khẩu do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng; hoặc DN khó có thể cạnh tranh do năng lực còn hạn chế dù đã hiểu biết về FTA.
Năm 2020, 2021, rồi 2022 có những khó khăn, biến động toàn cầu từ dịch bệnh, xung đột vũ trang... đã cho chúng ta những bài học về tận dụng cơ hội từ mọi thị trường cả truyền thống và thị trường mới. DN cũng đã thích nghi và phản ứng rất nhanh để hợp với từng thị trường, từng thời điểm. Vì thế hy vọng năm 2023 xuất khẩu của chúng ta vẫn đà tăng trưởng.
Trân trọng cảm ơn ông!