Dồn sức cứu chữa bệnh nhân Covid-19

Đức Trân 30/08/2021 08:00

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn tiếp tục với hàng nghìn ca mắc mới tăng thêm hàng ngày tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Hàng trăm y bác sĩ đã lên đường “Nam tiến” tham gia tuyến đầu chống dịch mỗi ngày. Không chỉ vậy, họ còn tình nguyện hiến máu để giúp người bệnh giành giật sự sống.

Sát cánh cùng người bệnh

BS Nguyễn Thị Yến, Bác sĩ nội trú Trường Đại học Y Hà Nội đang có mặt tại Bình Dương cho biết: Đoàn 97 người của Đại học Y Hà Nội đều là những bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch vì muốn đóng góp sức trẻ nhiều hơn nữa. Trước khi đi, chúng tôi có lo lắng vì không biết phía trước sẽ là gì, nhưng chúng tôi đã được hướng dẫn, tập huấn kỹ để tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Bảo vệ được sức khoẻ của mình mới cứu được nhiều người khác. Tính riêng tại Bình Dương, mỗi ca trực các y bác sĩ phải theo dõi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân cùng hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Các thầy thuốc phải gánh chịu áp lực cực lớn, bên cạnh công việc bận rộn đến gần như không có thời gian nghỉ ngơi là nỗi lo lây nhiễm.

BS Mai Thị Thuỳ Linh - một thành viên trong đoàn hỗ trợ ĐH Y Hà Nội chia sẻ: Dịch bệnh ai mà không sợ, nhưng khi xác định làm nghề y mà mình còn sợ thì ai là chỗ dựa cho nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Tôi xung phong tham gia chống dịch với mong muốn được đóng góp, cống hiến một chút gì đó dù là nhỏ nhoi trong cuộc chiến này. Chúng tôi không đơn độc

Vất vả là vậy, tuy nhiên, dường như khi đã mặc lên mình chiếc áo blouse trắng thì các thầy thuốc không còn nghĩ đến gì khác ngoài việc cứu sống người bệnh. Ngay tại tâm dịch TP HCM, các y bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp hiến máu để cứu bệnh nhân nặng.

TS.BS Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm, tại Trung tâm Hồi sức tích cực đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trước tình trạng khan hiếm máu điều trị cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện xin hiến máu để san sẻ và cứu sống người bệnh kịp thời. Sát cánh cùng người bệnh là sứ mệnh và là khát vọng của mỗi người chúng tôi.

Tình nguyện ở lại đến khi hết dịch

Công việc bảo vệ tính mạng cho người dân của các thầy thuốc vẫn còn đang tiếp tục và sẽ có thêm nhiều y, bác sĩ nữa được huy động vào các tỉnh phía Nam. Ngày 29/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Nhân lực y tế đã huy động là trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế. Bên cạnh đó là số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này. Với tinh thần trách nhiệm vì sức khoẻ người dân, vì người bệnh nên mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều nỗ lực vượt qua chính mình để chăm sóc, cứu chữa người bệnh.

Với các y, bác sĩ, chăm lo và cứu chữa người bệnh là nhiệm vụ quan trọng nhất, và họ coi người bệnh như người thân để chăm sóc và điều trị một cách tận tình nhất có thể.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14 TP HCM tâm sự: Do đặc thù của người bệnh Covid-19, đặc biệt tại Trung tâm Hồi sức tích cực là nơi chỉ điều trị những ca bệnh nặng nên nhân viên y tế phải đảm đương tối ưu từ việc ăn uống đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho từng người bệnh. Chúng tôi luôn quán triệt toàn thể y bác sĩ và nhân viện tại Trung tâm coi người bệnh như người thân trong gia đình. Ở đây chúng tôi không chỉ chăm lo bữa ăn đơn thuần mà còn chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh theo sát diễn biến sức khoẻ của người bệnh.

Theo BS Phạm Trường An, Phó Trưởng khoa lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3, hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn, các y bác sĩ còn nhiều việc khác nữa như lấy đồ ăn, lo nước uống, lo sinh hoạt cho người bệnh. Mỗi người vào đây đều không có người thân cận kề nên chúng tôi xem bệnh nhân như người nhà của mình vậy. Hơn 2 tháng từ khi chúng tôi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3, đến nay tâm lý y bác sĩ ai cũng vững vàng cùng động viên nhau đồng lòng dốc tâm sức để điều trị cho người bệnh bằng cả tấm lòng.

Được biết, rất nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 3 nói riêng và tại các tỉnh phía Nam nói chung đã làm đơn xin được ở lại tâm dịch, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng. “Nếu được chấp nhận, tôi và các đồng nghiệp nguyện ở lại điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đến khi nào hết dịch mới về” - BS An chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn sức cứu chữa bệnh nhân Covid-19