Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếp tục giảm là tín hiệu đáng mừng, nhưng nỗi lo vẫn chực chờ khi các nhà khoa học dự đoán hiện tượng El Nino có thể sẽ quay trở lại và nguy cơ một lần nữa ĐBSCL trải qua một đợt hạn mặn vào năm tới.
Xâm nhập mặn giảm dần
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 30/4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục giảm dần. Độ mặn phổ biến tại các trạm nhỏ hơn so với độ mặn cao nhất tháng 4/2022, chỉ một số trạm tại Long An, Kiên Giang có độ mặn lớn hơn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL là cấp 1-2. Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô năm 2021-2022. Xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm dần.
Chiều sâu ranh mặn 4 phần nghìn được dự báo có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 40 - 45km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 20 - 25km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 20 - 25km; sông Hậu là 18 - 22km; sông Cái Lớn là 40 - 50km.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) cho biết, năm nay, qua khảo sát khu vực ven biển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, người nuôi tôm cho biết mặn vào chậm hơn nên thời vụ cá, tôm của người dân ở khu vực này bị đẩy lùi lại khiến người dân lo lắng. Sự thay đổi này chủ yếu do quá trình vận hành của đập thủy điện: nếu các đập xả nước nhiều thì mặn sẽ bị đẩy lùi, còn xả nước ít thì mặn ở biển sẽ lấn sâu vào nội đồng.
Nhận định về thời gian tới, ông Tuấn cho rằng do thời vụ hiện đã bị biến động, nên người nông dân cần chuẩn bị việc trữ nước ngọt. Tuy rằng tại thời điểm này cơ bản mặn đã giảm dần, không còn phải lo lắng vì hàng năm giai đoạn tháng 5 trở đi sẽ mưa nhiều. Những ngày qua ở ĐBSCL cũng mưa lai rai khiến cho độ mặn cũng giảm. Năm nay nhìn chung thời tiết trung tính.
Vẫn phải cảnh giác với El Nino
Các nhà khoa học dự báo, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình vào năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.
Các mô hình khí hậu cho thấy rằng, sau 3 năm liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina thế giới sẽ trải qua sự quay trở lại của El Nino vào cuối năm nay. Trước đó, El Nino cực đoan đã xảy ra hồi mùa mưa 2015 và mùa mưa 2019 kéo theo sự kiện hạn mặn cực đoan mùa khô 2016 và 2020 làm mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây thiệt hại cho vụ lúa mùa khô ven biển và gây thiếu nước ngọt cho hàng trăm nghìn người ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL.
“El Nino và La Nina là giai đoạn ấm và lạnh của khí hậu. 2 hiện tượng này thường thay phiên nhau lặp lại theo chu kỳ khoảng 2 đến 7 năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay, các hiện tượng El Nino và La Nina có thể trở nên cực đoan và xuất hiện thường xuyên hơn. Đối với ĐBSCL và các quốc gia trong vùng Mê Kông, khi có El Nino thì lượng mưa giảm và ngược lại khi có La Nina thì lượng mưa nhiều”- ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về hệ sinh thái ĐBSCL lý giải. Theo đó, trong tình huống El Nino mạnh thì kịch bản cho ĐBSCL sẽ là mùa mưa sắp tới từ tháng 5/2023 đến tháng 11/2023. Nếu El Nino năm nay cực đoan như năm 2015 thì lượng mưa trong mùa mưa năm 2023 sắp tới sẽ thấp như lượng mưa năm 2015. Chú ý khi nói về rủi ro hạn mặn ĐBSCL cần phải xét 2 vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau vì 2 vùng này rất khác nhau. Vùng cửa sông Cửu Long do vị trí nằm ở phía cuối của lưu vực Mê Kông cho nên vùng này chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn Mê Kông, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.
“Năm nào có El Nino mưa ít thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mê Kông yếu. Khi mực nước sông Mê Kông thấp, các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện thì phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn ĐBSCL sẽ rất gay gắt. Gặp những năm El Nino cực đoan và thủy điện làm cho tồi tệ thêm thì ở ĐBSCL các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước” - ông Thiện nói.
Theo giới chuyên gia, hiện nay vẫn còn quá sớm để có thể dự báo chắc chắn, nhưng ngành nông nghiệp và bà con nông dân vùng ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ tình hình để có thể ứng phó kịp thời. Vùng cửa sông Cửu Long do vị trí nằm ở phía cuối của lưu vực Mê Kông cho nên vùng này chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn Mê Kông, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.