Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có vị trí chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Nhưng do biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ nên dù có hệ thống kênh rạch chằng chịt, khu vực này vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước và mùa khô bị xâm nhập mặn…
Thiếu nước sạch, xâm nhập mặn ngập sâu
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay, ĐBSCL có địa hình thấp và bằng phẳng, phần lớn có độ cao trung bình từ 0,7 - 1,2m so với mực nước biển. Nguồn nước ở vùng này rất nhiều với hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng luôn luôn trong tình trạng thiếu nước. Hàng năm, các đợt hạn, độ mặn đã bắt đầu có xu hướng đến sớm hơn, với nồng độ ngày càng cao và kéo theo xâm nhập mặn sâu trong nội đồng.
GS.TS Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, tổng lượng dòng chảy hàng năm của toàn vùng ĐBSCL xấp xỉ 475 tỷ m3. Trong đó, 95% dòng chảy từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. ĐBSCL chiếm đến khoảng 56% tổng lượng nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước này chủ yếu tập trung vào mùa mưa, chiếm 80 - 85%; mùa khô chỉ chiếm 15%. Hệ thống kênh rạch của toàn bộ vùng vào khoảng 74.000km.
Từ năm 2012, sau khi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng nhiều, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn và ngày càng đi sâu vào trong đất liền. Trên sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn có lúc vào sâu đến 100 - 130km. Sông Tiền và sông Hậu xâm nhập mặn vào sâu 55 - 65km, thời gian xâm nhập mặn sớm hơn so với trước đây 1 - 1,5 tháng do rất nhiều yếu tố. Tình trạng xâm nhập mặn sớm hơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ sản xuất của bà con nông dân.
Ông Hòa nêu rõ, hơn chục năm trở lại đây, ĐBSCL gần như không còn lũ do các đập và hồ chứa được xây dựng nhiều ở thượng nguồn sông Mê Kông. Chức năng của hồ chứa ấy là tích nước và cắt lũ trong mùa lũ. Về lý thuyết, vào mùa khô, tổng lượng nước sẽ tăng lên do phát điện đã tăng xả nước từ thuỷ điện trên thượng nguồn. Nhưng thực tế, thời điểm xả nước luôn thay đổi thất thường và những diễn biến khác khiến hạn hán tại ĐBSCL vẫn tăng lên.
Ngoài ra, ĐBSCL còn đối mặt với việc thiếu nước sạch. Hiện có gần 80.000 hộ dân thiếu nước. Cùng với đó là tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng do nguồn nước biến động; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường; và phát triển nội tại, lượng nước chuyển về ĐBSCL thay đổi so với trước đây đã gây ra tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng.
Tìm giải pháp mới
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Nam nói chung, cũng như ĐBSCL nói riêng, chủ yếu là điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn. Vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước; ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm. Tổ chức quan trắc độ mặn, điều hành đóng mở cống lấy nước và ngăn mặn phù hợp với tình huống cụ thể.
Ông Sỹ cũng nhấn mạnh tới giải pháp chủ động thích ứng hạn mặn, trong đó kết hợp đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau giữa giải pháp phi công trình với giải pháp công trình. Về giải pháp phi công trình, cần tiếp tục tăng cường, hiện đại hóa công tác giám sát, dự báo chuyên ngành phục vụ cho công tác điều hành mùa vụ. Điều chỉnh hài hòa lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL phù hợp với dự báo nguồn nước. Đặc biệt cần thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt, phù hợp với điều kiện tự nhiên; quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn.
Song song với đó, phải có các giải pháp công trình, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống thủy lợi ở các vùng ven biển; tiếp tục đầu tư các công trình kiểm soát mặn, nguồn nước tại các vùng mặn đã vượt qua và tác động vào các vùng canh tác cây ăn trái.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước, theo ông Sỹ, có thể áp dụng một số công nghệ như sử dụng hạt polyme siêu hấp thụ nước; chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt và sử dụng máy cấp nước từ không khí hoặc xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO).
Hiện nay, một số nghiên cứu về giải pháp giữ nước ngọt cho ĐBSCL cũng đang được thí điểm áp dụng như mô hình túi chứa nước bằng cao su mềm là sản phẩm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Viện Nhiệt đới môi trường thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí. Công nghệ lọc nước từ không khí theo nguyên tắc làm lạnh không khí để ngưng tụ hơi nước có chứa trong không khí cũng có thể góp phần giải quyết, ứng phó với hạn mặn với chi phí lắp đặt thấp, giá thành khoảng 400 USD/máy quy mô hộ gia đình.