Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam cảnh báo nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 9/2024. Nguyên nhân chính là do sự kết hợp của lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, triều cường dâng cao và khả năng xuất hiện mưa lớn tại chỗ.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trong tuần qua, lưu vực sông Mê Kông chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Tây Nam và bão số 3 (Yagi). Hình thái thời tiết này đã gây ra lượng mưa lớn trên toàn lưu vực, phổ biến từ 50 - 150mm, thậm chí một số nơi ở thượng Lào còn vượt quá 150mm.
Ảnh hưởng trực tiếp của đợt mưa lớn này là lũ trên khu vực thượng Lào và miền Bắc Thái Lan đang có xu hướng tăng rất mạnh. Mực nước tại nhiều trạm quan trắc đã vượt mức cảnh báo lũ và mức lũ lớn, với khả năng tiếp tục tăng trong những ngày tới. Đáng chú ý, lũ đang có xu thế lên nhanh ở khu vực trung và hạ Lào, cũng như Campuchia, do lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về.
Tại Campuchia, mực nước lũ tại trạm Kratie vào ngày 12/9 đã đạt 17,24m, thấp hơn trung bình nhiều năm (1961 - 2023) 1,77m và thấp hơn năm 2019 là 5,2m. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn năm 2023 và 2015, cho thấy tình hình lũ lụt năm nay đang diễn biến phức tạp.
Tại Biển Hồ, dung tích hồ đang ở mức thấp nhưng cũng có xu hướng tăng nhanh. Tính đến ngày 12/9, dung tích Biển Hồ đạt 26,33 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm 11,05 tỷ m3, nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2023 tới 4,32 tỷ m3.
Tình hình ngập lụt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo nghiêm trọng hơn khi kết hợp với đợt triều cường dự kiến xảy ra vào giữa tháng 8 âm lịch (tương ứng với 19 - 21/9 dương lịch). Theo dự báo của Viện Kỹ thuật biển, triều cường khu vực biển Đông sẽ đạt đỉnh từ ngày 19 - 21/9, trong khi khu vực biển Tây sẽ đạt đỉnh muộn hơn, vào ngày 24 - 25/9. Đáng chú ý, mức triều năm nay được dự báo cao hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm.
Dựa trên các yếu tố trên, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng mạnh trong 1 - 2 tuần tới. Đỉnh lũ tháng 9 có khả năng xuất hiện vào khoảng ngày 19 - 22/9/2024. Cụ thể, tại trạm Tân Châu, mực nước dự kiến dao động từ 3,00 - 3,20m, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (1996 - 2022) từ 0,50 - 0,70m và thấp hơn mức báo động 1 từ 0,30 - 0,50m. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,07 - 0,27m và cao hơn nhiều so với năm 2015.
Tại các khu vực nội đồng của ĐBSCL, mực nước tại các trạm vùng thượng ĐBSCL phổ biến dưới mức báo động 1, một số trạm dao động từ báo động 1 đến báo động 2. Riêng trạm Long Xuyên và Vàm Nao (An Giang) có nguy cơ vượt mức báo động 2.
Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam cũng cảnh báo, trong trường hợp cực đoan, nếu đỉnh lũ trùng với thời điểm triều cường dâng cao và xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi như mưa to gió lớn, đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể dâng cao hơn dự báo từ 5 - 10cm.
Các địa phương cần đặc biệt chú ý bao gồm TP Cần Thơ (tỉnh Vĩnh Long), các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn thượng nguồn như TP Long Xuyên (tỉnh An Giang).
Để ứng phó với tình hình này, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam đề nghị các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các tuyến bờ bao xung yếu, đặc biệt là các tuyến mới đắp, đồng thời xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.