Thời gian qua, tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra sạt lở, sụt lún làm ảnh hưởng đến nhà dân và nhiều tuyến đường giao thông. Đáng chú ý, tình trạng sụt lún, sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang diễn biến hết sức phức tạp, tác động lớn đến đời sống, đi lại của người dân trong vùng.
Biến mất căn nhà sau 1 đêm
Đã 2 tháng trôi qua nhưng bà Phạm Thị Ngọt (56 tuổi, trú tại đường tỉnh 965, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng căn nhà của gia đình bất ngờ bị sụt lún, đổ sập xuống kênh. “Đêm hôm đó, tôi thấy có nhiều dấu hiệu sắp sạt lở nhưng không nghĩ nó đến nhanh như vậy. Cả đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Khoảng 7giờ sáng hôm sau, căn nhà nứt toác và bắt đầu nghiêng. Tôi hô hoán cho mấy đứa nhỏ chạy ra. Vừa chạy ra được thì nghe rầm một cái, cả căn nhà bị sập xuống dòng kênh. Tôi đã bị ngất lịm khi chứng kiến cảnh đó, sau đó được người thân đưa đi cấp cứu” - bà Ngọt nhớ lại.
Theo bà Ngọt, cả đời bà sống ở vùng đệm U Minh Thượng nhưng chưa từng thấy cảnh sạt lở, sụt lún kinh hoàng như vậy. “Cả đời giành dụm được bao nhiêu tiền thì đã dồn vào hết để xây được một căn nhà, có chỗ an cư. Mới xây được 2 năm thì bị sạt lở, đổ sập, giờ thì tay trắng. Tận dụng mấy tấm tôn tháo từ mái nhà vừa sập gia đình tôi dựng tạm căn nhà để có chỗ che nắng che mưa, không biết mai mốt lấy gì mà sống” – bà Ngọt buồn bã chia sẻ.
Thống kê tại huyện U Minh Thượng, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 452 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài hơn 11km. Trong đó, đường tỉnh 965 có 77 điểm dài hơn 2,3km, các tuyến giao thông nông thôn có 373 điểm sạt lở dài gần 9km. Đáng chú ý là có 42 căn nhà bị thiệt hại do sạt lở, sụt lún gây ra. Đối với những đoạn đã và đang sạt lở, địa phương mở 45 đường tạm, làm rào chắn, biển cảnh báo, đèn chiếu sáng đảm bảo giao thông tạm được an toàn. Đồng thời cấm ô tô lưu thông trên đường tỉnh 965 để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận thực tế tại đường tỉnh 965, địa phương đã lắp biển cấm ô tô lưu thông trên tuyến đường này. Trong khi đó, tuyến kênh đọc theo đường tỉnh 965 vẫn khô cạn nên việc vận chuyển hàng hoá, nông sản của người dân dọc tuyến đường này gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều đại lý xăng dầu trên tuyến đường cũng phải tạm đóng cửa. “Mong địa phương sớm khắc phục sụt lún sạt lở để bà con đi lại, buôn bán thuận lơi hơn” - chị Đặng Thị Triều (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) bày tỏ.
Trước diễn biến phức tạp và thiệt hại của sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán ở khu vực vùng đệm U Minh Thượng, ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân sạt lở đất, sụt lún đất ở vùng đệm U Minh Thượng do ảnh hưởng hiện tượng El nino, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm vào tháng 9/2023; mặn xâm nhập sớm từ đầu tháng 1/2024; không có nguồn nước ngọt bổ sung vào trong vùng đệm. Bên cạnh đó, mưa trái mùa trong mùa khô hầu như không đáng kể; nắng nóng, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến bốc hơi mặt nước mạnh (cao hơn trung bình nhiều năm từ 37,8%); nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh đến dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của các hộ nông dân rất lớn. Ngoài ra, cao độ đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu, đã được nạo vét phục vụ nhiều mục đích khác nhau như san lắp mặt bằng, nền nhà, lấy đất làm bờ để thi công lộ giao thông; xây dựng công trình trên đất nền yếu gây sạt trượt, sụt lún, sạt lở…
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện U Minh Thượng huy động các nguồn lực tiếp tục ứng phó. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong ứng phó với tình hình sụt lún, sạt lở đất, lộ giao thông và nhà ở. Vận động các hộ dân có nhà xây dựng cặp mé kênh di dời, kiên quyết di dời đối với những nhà ở các điểm đã rạn nứt, có nguy cơ sạt lở; đảm bảo an toàn tài sản tính mạng người dân. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả tạm thời các điểm lộ giao thông nông thôn bị sụt lún, sạt lở đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân trong thời điểm thiên tai.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực của địa phương để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Nghiên cứu trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng; đầu tư hạng mục nâng cấp, mở rộng tuyến kênh đê bao ngoài, xây dựng cống, trạm bơm để điều tiết nước.
Tổn thương khắp ĐBSCL
Không riêng tỉnh Kiên Giang, khô hạn những tháng qua đã làm các dòng sông trong vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn nước gây nên tình trạng sạt lở, sụp lún ở nhiều nơi. UBND tỉnh Cà Mau đã công bố khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Trong khi đó, nhiều tháng qua, các vụ sạt lở cũng liên tiếp xảy ra tại khắp các tỉnh ĐBSCL làm hư hại các tuyến đường giao thông, hư hại nhà cửa và uy hiếp cuộc sống của nhiều hộ dân có nhà ven kênh, rạch.
Những ngày trung tuần tháng 6, ngành chức năng thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đang phải đau đầu tìm giải pháp để bảo vệ công trình Trường Mầm non Sơn Ca 2 ở phường 1, thị xã Giá Rai tỉnh Bạc Liêu. Công trình được đầu tư xây dựng với trị giá hơn 38 tỷ đồng, đang trong quá trình hoàn thiện thì lại bị đe doạ bởi tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp.
Còn tại TP Cần Thơ, liên tiếp các vụ sạt lở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và cuộc sống của người dân. Theo đó khoảng 7 giờ 30 phút ngày 30/5, tại bờ kênh Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ xảy ra vụ sạt lở sụt lún bờ kênh với chiều dài 41m, rộng 4m, ăn sâu vào quốc lộ 80. Trước tình trạng trên, ngành chức năng cho phép các phương tiện được phép lưu thông 2 chiều qua dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) nhằm giảm lượng phương tiện qua vị trí sạt lở, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công khắc phục sạt lở.
Một ngày sau, khoảng 6 giờ sáng 31/5, nhiều hộ dân sống ở cạnh tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, tổ 3, khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ phát hiện nhiều vết nứt và những dấu hiệu bất thường nên nhanh chóng chạy thoát ra khỏi nhà. Sạt lở đã diễn ra rất nhanh, phần nhà sau, phòng bếp cùng công trình phụ của 10 căn nhà sát bờ sông Bình Thủy bị nhấn chìm xuống sông, kéo theo nhiều tài sản… May mắn là, đoạn sạt lở không ảnh hưởng về người, tuy nhiên ước tính thiệt hại khoảng 550 triệu đồng.
Thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây ĐBSCL là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào sáng 4/6.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh đã phân tích 4 nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở, lún ở ĐBSCL. Thứ nhất, do nền địa chất của ĐBSCL được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ. So với tất cả các đồng bằng của thế giới thì địa chất của ĐBSCL non trẻ nhất. Thứ hai, trước đây lượng phù sa về đầy đủ hơn, bây giờ lượng phù sa giảm mạnh, đây cũng là một hiện tượng gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp, là một tác nhân gây ra sạt lở, sụt lún. Thứ ba, là trong quá trình phát triển, chúng ta xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư, nuôi trồng thủy sản… Những hoạt động này cũng làm tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy. Thứ tư, là tình trạng khai thác cát trái phép...
Bộ trưởng Bộ TNMT nêu 4 giải pháp căn cơ cần thực hiện ngay. Một là, hiện nay Bộ TNMT được Thủ tướng giao đánh giá Đề án về trữ lượng cát sỏi, lòng sông của khu vực ĐBSCL, như vậy, các cơ quan liên quan sẽ biết được tổng thể những vùng có thể khai thác, trữ lượng khai thác như thế nào để có giải pháp ứng phó cụ thể, trước đây chúng ta chưa nghiên cứu vấn đề này.
Hai là, các địa phương phải có quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, những vùng nào nguy cơ cảnh báo cao thì phải thực hiện ngay việc quy hoạch, bố trí lại dân cư. Thứ ba, cần xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông, có nhiều khúc sông phần diện tích xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài vì thay đổi dòng chảy, đây là một tác nhân rất lớn. Cuối cùng, nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo.