Ngày 15/2, tại tỉnh Bến Tre, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; UBTƯ MTTQ Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre”.
Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, thời gian qua tỉnh có nhiều hoạt động tưởng nhớ tới cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng. Hiện Bến Tre có 3 ngôi trường, gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, 2 con đường mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát; tỉnh đang hoàn chỉnh thiết kế dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đền thờ Huỳnh Tấn Phát thành khu lưu niệm, chuẩn bị trình xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến dấu ấn đậm nét của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các công lao này có thể khái quát thành 5 nội dung lớn.
Đầu tiên, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được đào tạo cơ bản, là kiến trúc sư tài năng, sáng tạo, sớm giác ngộ cách mạng. Đồng chí học cao, hiểu rộng, có uy tín lớn; là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, bị địch bắt tù 2 năm, ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí là một nhà lãnh đạo mẫu mực, giàu lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng; trọn niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những người được Đảng giao vận động thành lập Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận. Năm 1966, đồng chí được cử làm Ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác Dân vận - Trí thức vận. Đồng chí đã vận động được nhiều trí thức yêu nước ra chiến khu tham gia kháng chiến, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, khi là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị 4 bên tại Paris, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã kết hợp hài hòa, hiệu quả ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân, phát huy vai trò, uy tín cá nhân; phối hợp chặt chẽ với đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết, kiên trì đấu tranh đòi ngừng bắn, chấm dứt can thiệp của Mỹ, trả lại quyền tự do, dân chủ cho miền Nam Việt Nam.
Thứ 4, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Năm 1982, để tăng cường công tác Mặt trận trong tình hình mới, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều động tham gia Đảng đoàn MTTQ Việt Nam. Đồng chí đã cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy chỉ đạo xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới”. Chỉ thị đã đánh dấu nhận thức mới của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; theo đó, 3 chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 3 chức năng đó. Chỉ thị số 17-CT/TW có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và vẫn còn giá trị thiết thực cho đến ngày nay.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983), đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Giai đoạn 1983-1988 là thời kỳ MTTQ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, tiến tới thử nghiệm các mô hình, góp phần thúc đẩy hình thành đường lối đổi mới và bước đầu thực hiện đổi mới toàn diện đất nước. Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, điểm nhấn của thời kỳ đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là đổi mới tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Và cuối cùng, thời kỳ đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu để ngày 26/3/1986, Ban Bí thư ban hành thông báo lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày kỷ niệm sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Hiện nay, Điều lệ MTTQ Việt Nam đã ghi rõ ngày 18/11 hàng năm là Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày kỷ niệm này ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn kết cộng đồng, lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau, tiếp tục bồi đắp, hun đúc nên truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
“Là thế hệ đi sau kế tục sự nghiệp cha anh, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi rất đỗi tự hào, tri ân công lao của đồng chí và nguyện học tập, noi theo tấm gương cao cả, trọn đời vì nước, vì dân của đồng chí; phấn đấu hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.