Cuộc đời và sự nghiệp của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - nhà trí thức cách mạng tài năng giàu nhiệt huyết đã để lại tấm gương sáng ngời về lý tưởng, đạo đức cách mạng, nhân cách cao đẹp và những đóng góp quan trọng cho đất nước. Vì vậy, việc lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật, kỷ vật của ông có ý nghĩa to lớn.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam: Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa I, II, III, VI, VII, VIII, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Bảo tàng MTTQ Việt Nam hiện đang lưu giữ gần 300 tài liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau và gần 200 ảnh tư liệu về Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Trong đó có những tư trang, kỷ vật thiêng liêng gắn với hoạt động của ông trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng của dân tộc, như quần áo, mũ vải, võng, mảnh vải dù… cùng với những câu chuyện kể chân thực, sinh động tái hiện chân dung một chiến sĩ kiên cường, một vị lãnh đạo giản dị, khiêm tốn, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Những cuốn sổ công tác mà ông sử dụng từ năm 1975 đến năm 1984 đã nhuốm màu thời gian, nhưng trong đó vẫn còn nguyên vẹn nét chữ ghi chép cẩn thận, rành mạch, tỉ mỉ trong từng cuộc họp. Như một thói quen, ông thường gạch chân hoặc khoanh tròn, đánh dấu ở những vấn đề quan trọng, những vấn đề còn băn khoăn... Những bản vẽ thiết kế về các công trình quan trọng của đất nước được phác thảo bởi tài năng và tâm huyết của một kiến trúc sư tài hoa. Tập bản thảo các bài phát biểu, bài viết, các bài trả lời phỏng vấn truyền hình trong nước và quốc tế, nhiều tài liệu liên quan đến công tác Mặt trận thể hiện một tư duy sắc sảo, một trái tim tâm huyết, nhiệt thành của vị lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân…
Trong số các hiện vật, kỷ vật có những lá thư viết tay của bạn bè, người thân, đồng đội gửi cho ông rất xúc động. Thư của ông Huỳnh Đại Lâm, người đã từng có thời gian công tác cùng đơn vị với Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn Tự do kể lại một kỷ niệm cảm động:“…Điều kỷ niệm sâu sắc nhất là cháu bị ốm nặng, thím Sáu ở Sài Gòn vào có mang theo 6 hộp sữa. Bác đã cho cháu 2 hộp. Tuy là quà nhỏ nhưng rất tình nghĩa cách mạng”.
Lá thư của ông Ngọc Tinh Vân - Phó Trưởng quản cửu trùng đài Hội Thánh Chiếu Minh gửi năm 1988 có đoạn viết: “... Nhân đây, tôi xin gửi đến ông một tấm ảnh mà tôi đã hân hạnh được chụp chung với ông tại Hội trường Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang vào năm 1985. Một tấm ảnh làm cho tôi luôn luôn xúc động và tôi cũng suy nghĩ, nhớ về ông bởi vì ông là một con người đức độ vẹn toàn. Tôi nguyện học tập và noi gương theo ông để phục vụ đạo và đời tốt hơn nữa”.
Đặc biệt bản hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước về Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với những cảm nhận sâu sắc: "Tôi biết anh Huỳnh Tấn Phát từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh là bạn thân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn từ những năm 1946. Anh Sáu Phát lúc đó phụ trách công tác trí vận. Tôi chắc không phải riêng tôi mà tất cả ai từng quen biết anh Sáu Phát đều có một ấn tượng tốt đẹp về anh. Đó là một con người trí thức (tất nhiên lúc đó anh còn trẻ) lịch thiệp, lúc nào cũng có một nụ cười hiền lành, cởi mở và chân tình… làm cho người đối thoại với anh cảm thấy dễ gần gũi và tin cậy...”.
Trong số hiện vật, kỷ vật, còn có một số bản thảo cuốn hồi ký Đám cưới giữa mùa thu của bà Bùi Thị Nga, phu nhân Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Đặc biệt là tấm bưu thiếp có hình nhành hoa phong lan Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tặng phu nhân ngày 30/12/1982 với lời chúc: “Nhân năm mới, hôn em thắm thiết, chúc em được nhiều sức khỏe và mong cuộc sống của anh và em đẹp như hoa phong lan này…”.
Những kỷ vật gần gũi và đầy ý nghĩa ấy đã phần nào cho thấy con người Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, người dành trọn cuộc đời cho cách mạng, cho đất nước, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng trong sâu thẳm trái tim vẫn tha thiết, sâu nặng tình cảm gia đình, là minh chứng cho một tình yêu mặn nồng, thủy chung, son sắt của những người chiến sĩ cách mạng đã từng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử có nhau.
Ngày 30/9/1989, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từ trần. Hai cuốn sổ tang của ông mà gia đình đã trao tặng Bảo tàng lưu giữ trong đó chứa đựng rất nhiều những kỷ niệm, tình cảm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cơ quan, ban ngành, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho ông.
Bà Nguyễn Thị Định - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không kìm nén được sự xúc động, thương tiếc: “... Anh Tám thân thương nhất của chúng tôi, đặc biệt là của cá nhân tôi hôm nay đã vĩnh biệt chúng tôi rồi. Nhớ hôm nào anh em tôi sống trong chiến khu gian khổ có nhau hột muối chia đôi, chén cơm sẻ nửa, sống vui buồn có nhau. Hôm nay anh ra đi trọn vẹn cuộc đời cách mạng. Tấm gương của anh chúng tôi luôn luôn ghi nhớ và học tập…”.
Ông Hồ Anh Dũng, thay mặt Đảng bộ cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ: “… Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị cao cả của mình, đồng thời trong cuộc sống anh là người giản dị, chân thành, hồn hậu, luôn gần gũi anh em đồng chí, cán bộ, nhân viên…”.
Những hiện vật, kỷ vật về Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng với những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông có giá trị to lớn. Bảo tàng MTTQ Việt Nam có nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn, phát huy, lan tỏa giá trị của những hiện vật, kỷ vật thiêng liêng, giá trị ấy, góp phần quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.