Đồng chí Xuân Thủy – những câu chuyện giản dị, xúc động

Bùi Thu Hoàn 20/06/2023 07:05

Những ngày tháng 6, trong không khí kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi đến thăm gia đình nhà hoạt động cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy - người chỉ đạo trực tiếp Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay để thắp nén nhang nhân ngày giỗ của ông (18/6/1985 - 18/6/2023). Trong dòng hoài niệm về cuộc đời hoạt động của ông, những người thân trong gia đình chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động.

Lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu Khoa học MTTQ Việt Nam thăm gia đình đồng chí Xuân Thủy.

Giáo sư Nguyễn Trọng Yêm, con trai đồng chí Xuân Thủy, người đã gần 90 tuổi, rưng rưng nhớ lại hình ảnh về người cha rất mẫu mực, luôn hết lòng với mọi người trong cả công việc lẫn đời sống hàng ngày và luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết.

Ông kể: “Cuối năm 1943, khi ra khỏi nhà tù Sơn La, sau hơn 4 năm bị lưu đày, ông bị đưa về quản thúc ở địa phương. Lúc đó ông nội tôi đang ốm nặng, bố tôi đang bị dày vò bởi những cơn sốt rét rừng. Vào một buổi tối đầu năm 1944, nằm trên chiếc võng đầu hè, tôi thấy bố cứ đi đi, lại lại mãi ở ngoài sân như đang suy nghĩ đắn đo về điều hệ trọng lắm… Thế rồi, khi tỉnh dậy, trời sáng, tôi đã không thấy bố ở nhà nữa. Bố lại đi hoạt động bí mật rồi.

Ít lâu sau, mẹ tôi đón về nhà bà Trương Thị Mỹ, một cán bộ cách mạng, vừa trốn khỏi nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Bà hoạt động bí mật, vừa chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng ở phủ Hoài Đức vừa là liên lạc của xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Gia đình chúng tôi thường được đọc Báo Cứu Quốc do bà Mỹ mang về, nhưng không ai biết rằng chính tờ Báo Cứu Quốc là do bố tôi phụ trách và bố vẫn ở không xa chúng tôi: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất…

Đúng ngày 19/8/1945, cả mẹ và anh tôi đều đi khỏi nhà từ rất sớm, tham gia đoàn biểu tình vào Hà Nội cướp chính quyền. Hôm ấy, ông nội tôi cũng trở bệnh, rất nguy kịch. Bên cụ chỉ có một vài cô, chú, bác. Sau này, tôi được biết trong ngày 19/8, bố cũng từ Đan Phượng cấp tốc về Hà Nội tham gia lãnh đạo khởi nghĩa. Bố tôi qua làng, biết tin nguy kịch của ông nội nhưng không thể rẽ về nhà được. Ngày 20/8, ông nội mất. Hơn một tuần sau bố tôi mới có thể về nhà. Bố tôi không nói gì, đứng im lặng, cúi đầu mãi trước mộ ông nội”.

Thời kỳ bao cấp, đồng chí Xuân Thủy được mua hàng hóa và thực phẩm theo tiêu chuẩn ở những cửa hàng riêng. Đồng chí luôn luôn dặn vợ: “Phải tiết kiệm. Đặc biệt, không được để ai lợi dụng, nhờ vả kể cả các con cháu trong nhà”. Gia đình các con đồng chí đều chỉ được hưởng theo những tiêu chuẩn riêng của mình như tất cả những cán bộ thời đó. Hồi còn ở nhà tập thể quanh nhà công vụ 36 Lý Thường Kiệt, mọi người đều có thể dùng điện hàng tháng không mất tiền. Nhưng gia đình các con đồng chí Xuân Thủy vẫn chỉ dùng bếp than, bếp củi. Mùa đông đến, mọi người đi quét lá khô về đun nước tắm.

Ông Uyên, con trai cả của đồng chí Xuân Thủy làm việc và cưới vợ ở Hải Phòng. Tiệc trà trong đám cưới do công đoàn cơ quan tổ chức. Đồng chí Xuân Thủy bận việc, không xuống được. Vợ đồng chí cùng người con trai thứ hai đi tàu hỏa từ Hà Nội xuống dự, mang theo món quà của đồng chí Xuân Thủy là một ít kẹo và thuốc lá mua theo tiêu chuẩn tháng.

Các đám cưới của hai người con sau của đồng chí cũng rất giản dị. Sau khi đăng ký kết hôn, hai gia đình thông gia cùng dùng bữa cơm thân mật. Bạn bè thân hữu đều nhận được giấy báo hỷ. Đồng chí Xuân Thủy rất vui khi thấy các con trai, con gái cả dâu, rể, các gia đình thông gia, họ hàng, bè bạn và những người liên quan đều vui vẻ, tự nguyện làm theo lời khuyên của mình.

Bà Tuyết, con gái của đồng chí Xuân Thủy, thời trẻ có năng khiếu và nguyện vọng học tập trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng tổ chức lại cử đi học nông nghiệp. Bà vui vẻ chấp nhận. Khi tốt nghiệp về nước, bà lăn lộn nhiều năm với những thửa ruộng, mảnh vườn cùng bà con nông dân ngoại thành Hà Nội, và bà đã thu hoạch được những thành công nhất định.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Kính, bà Ngô Thúy Phương, con rể và con dâu đồng chí Xuân Thủy đều xúc động kể về tính công bằng của ông. Quà công tác xa của đồng chí Xuân Thủy cho các con không bao giờ có sự phân biệt. Giáo sư Nguyễn Trọng Yêm hào hứng kể: “Bố chúng tôi cũng để lại di chúc cho các con cháu đấy. Một buổi chiều năm 1984, bố gọi ba đứa chúng tôi vào phòng. Cụ không nói gì, chỉ đưa cho chúng tôi, mỗi người một tài liệu rất mỏng, giống nhau. Chúng tôi từ từ mở ra. Ôi! Đó là bản lý lịch của cụ với chữ ký rất rõ ràng, còn nguyên mùi mực. Cả ba chúng tôi đều nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Chúng tôi đều hiểu, cụ muốn nói gì và chúng tôi phải làm gì… Vâng, đây là di chúc và tài sản vô giá mà cụ đã để lại cho chúng tôi”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Xuân Thủy đã để lại những di sản quý báu cho hậu thế. Bản thân ông trong công việc lẫn trong cuộc sống đời thường chính là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách cao đẹp, không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp với những người thân trong gia đình, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về lý tưởng, đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng chí Xuân Thủy là một chiến sĩ cộng sản xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Hơn 20 tuổi, ông tham gia cách mạng và từ đó đi theo con đường đấu tranh bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận (Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Chủ tịch Lê Quang Đạo từng viết: “Trên tất cả những lĩnh vực hoạt động, đồng chí Xuân Thủy luôn luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo có tài, có đức, có những cống hiến xuất sắc, xứng đáng là một trong những học trò, những đồng chí thân cận của Bác Hồ kính yêu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng chí Xuân Thủy – những câu chuyện giản dị, xúc động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO