Là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, Việt Nam đang thực hiện “bình thường mới’, với những tín hiệu tích cực cả trong đời sống lẫn kinh tế - xã hội. Để đạt được những thành quả này là sự đóng góp của hàng trăm nghìn cán bộ, nhân viên y tế đã được huy động tới tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.
Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh. Không ít nhân viên y tế đã gặp phải những vấn đề về sức khỏe, về tâm lý khi chịu đựng áp lực nặng nề để điều trị người bệnh, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid - 19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh.
Thế nhưng, hầu hết các nhân viên y tế khi được hỏi đều cho biết, khi khoác trên mình tấm áo blouse trắng, họ sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến họ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và công tác phòng, chống dịch.
Một trong số đó, BS. Lã Thị Mỹ Dung (Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng) liên tục cười xòa khi được hỏi về nỗi vất vả của chị cũng như các đồng nghiệp trong những ngày tháng đấu tranh chống “giặc vô hình” Covid-19 vừa qua, bởi theo chị: “Chúng tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình, có gì đâu, chúng tôi vẫn thay ca cho nhau nên anh em không đến mức bị quá tải hay áp lực gì cả. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine đã ở mức rất cao nên phần lớn người bệnh có thể điều trị tại nhà”.
Thế nhưng ít người biết, khi nói những lời này cũng là lúc BS. Dung và con nhỏ đang tự cách ly tại nhà vì chị mắc SARS-CoV-2 trong quá trình làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, còn chồng chị, Đại úy, Bác sĩ Nguyễn Đức Hải (khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 105) đang sửa soạn, chuẩn bị vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Được biết, tháng 9 vừa qua, khi đang tham gia lực lượng Tổ quân y cơ động trạm y tế xã phường, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh thì Đại úy, BS. Nguyễn Đức Hải bất ngờ nhận được tin cha mất từ quê nhà. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, đặt sứ mệnh của người lính quân y lên trên hết, anh đã không thể về chịu tang cha.
Câu chuyện của BS Dung và BS Hải có lẽ không phải là hãn hữu hàng nghìn những bác sĩ, nhân viên y tế khác ở mọi miền Tổ quốc, tạm gác lại buồn vui của bản thân, gia đình để lo cho cái chung của Tổ quốc, của Nhân dân, lên đường theo “mệnh lệnh của trái tim”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: “Cán bộ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao do thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng họ vẫn sẵn sàng làm việc tập trung từ 10 đến 12 tiếng hằng ngày và thậm chí còn dài hơn. Khi dịch bệnh xảy ra, bệnh nhân tăng đã gây quá tải cho hệ thống y tế. Đặc biệt tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thì một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Ngoài chăm sóc họ còn mang trên mình những bộ đồ bảo hộ nóng và bí. Việc thiếu nhân lực và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tiết kiệm trong việc sử dụng các bộ đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế làm gia tăng áp lực tinh thần và thể chất của nhân viên y tế. Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân lực và nhân viên phải làm việc với thời gian rất dài từ 15 ngày sau đó thay ca, trước khi về với gia đình họ còn phải cách ly 7 ngày. Như vậy 1 nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Nhưng rồi do người bệnh đông nên họ phải nhanh chóng quay trở lại làm việc. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình”.
Nhấn mạnh về đóng góp không mệt mỏi của các nhân viên y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng, sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất 'thầy thuốc như mẹ hiền”.