Thời gian qua sức mua trên thị trường tiêu dùng trên địa bàn TPHCM yếu. Trước tình hình đó, các nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất đang đồng loạt đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng.
Sức mua thấp, chợ ế ẩm
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết tiểu thương các chợ trên địa bàn TPHCM không ngừng than thở về tình trạng buôn bán ế ẩm. Đặc biệt, đối với ngành hàng thời trang, tiểu thương cho rằng, ngồi mệt mỏi chờ khách cả ngày nhưng chỉ bán được vài sản phẩm. Bằng chứng thấy rõ khi hàng loạt tiểu thương chợ An Đông (quận 5) đóng cửa.
Ngành hàng thời trang, hàng tiêu dùng, thực phẩm ổn định hơn nhưng sức mua cũng không cao. “Khách hàng đang lựa chọn sản phẩm có mức giá mềm hơn. Thay vì mua 1kg thịt ngon, khách chỉ mua 0,5kg với loại thịt rẻ hơn” - bà Vương Anh Tú - tiểu thương chợ Tân Lập (TP Thủ Đức) chia sẻ. Riêng tại các kênh phân phối hiện đại ghi nhận, sức mua có tăng nhưng mức tăng không cao và không ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam cho biết, 3 tháng đầu năm tăng trưởng của hệ thống là 14,8%. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, sức mua trong quý 1 tăng 10% so với cùng kỳ nhưng chưa ổn định.
Sở Công thương TPHCM thông tin, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 4,8%), chiếm 62% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Liên quan đến doanh thu bán lẻ hàng hóa của TPHCM, TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế quan ngại: “Chưa bao giờ tổng doanh thu dịch vụ và bán hàng của thành phố lại thấp hơn cả nước và chỉ bằng 1/3 cả nước”. Theo ông Lịch, phát triển thị trường nội địa là 1 trong 3 trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Nhưng thời gian qua, tiêu dùng thành phố phát triển không đạt yêu cầu.
Nhiều chương trình thúc đẩy mua sắm
Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM cho biết, 3 tháng đầu năm, các DN vẫn đối mặt với các khó khăn, thách thức. Thế nhưng, DN đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Cụ thể, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng.
Đơn cử, hệ thống trung tâm MM Mega Market triển khai 2 chương trình “Giá sỉ” như giá ở chợ đầu mối dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống. Song song đó là chương trình “Khóa giá” dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Đại diện đơn vị này khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam có nhiều biến động, siêu thị cam kết đồng hành và sẻ chia với người tiêu dùng. Tương tự, hệ thống Big C và GO! phối hợp với nhà phân phối thực hiện chương trình “Giá luôn rẻ” mang lại cho khách hàng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn từ nay đến cuối năm, bao gồm các loại nông sản, trái cây, sản phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, các sản phẩm từ sữa… Hệ thống siêu thị Co.opnart, Co.opXtra tham gia bình ổn giá ở 11 nhóm hàng với cam kết giảm giá 5-10% so với giá thị trường...
Theo Sở Công thương TPHCM, tháng 6/2023 tới đây, thành phố tổ chức chương trình khuyến mại tập trung “Mùa mua sắm năm 2023”. Dự kiến, sẽ có hàng nghìn sản phẩm được giảm giá, khuyến mãi sâu kỳ vọng tạo động lực mới kích cầu tiêu dùng cho ngành thương mại dịch vụ của thành phố. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế trình trạng tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm...
“Kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua có phần suy giảm, ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết…” - ông Ngô Hồng Y nhấn mạnh.