Sáng qua, ngày 27/8, tại điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa ở bến xe trung tâm thành phố Cần Thơ không còn tình trạng ùn ứ phương tiện như những ngày trước.
Không còn cảnh lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu phải đổi tài xế hoặc sang hàng tại điểm tập kết hàng hóa, mà chỉ yêu cầu giấy thông tin đăng ký với Sở Công Thương, khai báo y tế, giấy test... là “thông chốt”, được vào thành phố Cần Thơ.
Tài xế thở phào, doanh nghiệp thở phào, không còn cảnh chờ đợi rất mất thời gian, tốn công tốn của. Dòng chảy hàng hóa được khơi thông.
Trước đó, ngày 21/8, UBND thành phố Cần Thơ ra văn bản yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh... từ các tỉnh, thành khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn thành phố. Đồng thời, tất cả các phương tiện phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa do thành phố quy định.
Quy định này được coi là một loại “giấy phép con”, “một mình một kiểu” khiến nhiều tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Người tỉnh ngoài muốn vận chuyển hàng vào Cần Thơ thì phải đăng ký trước, nhưng đăng ký thế nào là cả một vấn đề. Ngay cả việc yêu cầu đổi tài xế hoặc lấy xe khác ở Cần Thơ để sang hàng, cũng rất phức tạp. Sang hàng thì phải tháo niêm chì của ngành thú y, trong khi niêm chì không còn nguyên vẹn sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng. “Chặt chẽ” hơn là ngay cả với “công dân” Cần Thơ, chạy xe ra thì được nhưng vào thì cũng phải đủ loại giấy tờ. Thật là oái oăm.
Cũng may, sau vài ngày, sự vô lý ấy đã được dỡ bỏ. Nhưng chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ khốn khổ rồi: khổ cho cánh tài xế, khổ cho doanh nghiệp và khổ cho cả người dân thiếu thốn hàng hóa.
Việc tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 là rất cần thiết, nhất là khi dịch bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng cũng không thể vì thế mà “ngăn sông cấm chợ”, dựng lên quá nhiều rào cản với những thủ tục, đòi hỏi rất khó đáp ứng. Suốt thời gian qua, nông dân Tây Nam bộ gặp khó khăn vì nông sản không xuất đi được, vì thế mà rớt giá. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm tại các thành phố thiếu hụt, tư thương lợi dụng tình thế để nâng giá.
Một trong những lý do quan trọng nhất dẫn tới tình trạng đó chính là việc “ngăn sông cấm chợ”, đòi hỏi thủ tục nhiều hơn mức cần thiết để được phép lưu thông từ nơi này sang nơi khác, nhất là từ tỉnh này sang tỉnh khác. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng về việc này. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều công văn đề nghị các địa phương giải tỏa ách tắc. Nhưng đáng tiếc việc đó vẫn diễn ra, mà Cần Thơ là địa phương mới nhất áp dụng, rồi lại phải gỡ bỏ.
“Đóng”, “mở” bất thường như vậy khiến doanh nghiệp không biết đâu mà lần. Địa phương này quy định thế này, địa phương khác lại quy định thế khác, để “chiều” hết được các địa phương trên hành trình là rất mệt mỏi. Chống dịch là để lo cho dân, cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cũng là lo cho dân, để người dân có sức, an tâm mà đồng lòng chống dịch. Vì thế, cần hết sức cân nhắc trước khi đưa ra một quy định nào đó, nhất là “rất đặc thù” của riêng địa phương mình, khiến cho dòng chảy hàng hóa bị gián đoạn, đời sống người dân khó khăn hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn.
Mới đây, ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đáng chú ý, bộ này cho rằng, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy tham gia vận tải hàng hóa. Kể cả các tuyến kênh, mương nội đồng kết nối đến các tuyến đường thủy nội địa và các cảng, bến.
Chủ trương là thế, vấn đề còn lại đều phụ thuộc vào nhận thức và cách hành xử của các địa phương.