Là vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước nhưng TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn đang gặp khó khăn về giao thông kết nối. Một số tuyến đường nối các địa phương này vẫn ở thế “độc đạo”, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đặc biệt, dù có nhiều tuyến đường được quy hoạch nhưng tiến độ xây dựng, hoàn thiện chưa đúng kế hoạch cũng ảnh hưởng đáng kể tới chiến lược kinh tế vĩ mô toàn vùng Đông Nam bộ rộng lớn. Vì vậy, thúc đẩy các dự án hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc ở khu vực này là nhu cầu cấp bách hiện nay.
Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, mạng lưới giao thông phía Nam quy hoạch hơn 500km đường cao tốc, nhưng hiện nay mới thực hiện được hơn 90km. Ngoài ra cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đang quá tải và nếu sân bay Long Thành thực hiện đúng tiến độ vào năm 2025 thì khu vực này còn quá tải hơn nữa. Cũng theo ông Lịch, khu vực phía Nam, cụ thể là Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là vùng kinh tế mà còn là trung tâm du lịch lớn. Vì vậy việc phát triển hạ tầng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, du lịch, cảng biển...
Cũng có nhìn nhận tương tự, ông Lê Bá Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải) cho biết, TP HCM là trung tâm kinh tế trọng yếu phía Nam. Cùng đó còn có các tỉnh như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu,... Trong đó, tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp rất lớn về ngân sách. Vì vậy ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc là vô cùng cần thiết. Theo ông Thảo, hiện nay các trục cao tốc phía Nam đều quá tải. Trong đó tuyến quốc lộ 51 nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi Đồng Nai, TP HCM quá tải trầm trọng.
Thời gian qua, nhiều tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, lên kế hoạch thực hiện. Cùng với các tuyến đang thực hiện như Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây Tân Phú, Biên Hòa - Vũng Tàu... dự kiến mạng lưới hạ tầng khu vực Đông Nam bộ sẽ có những thay đổi đáng kể. Ngoài ra, dự án cải tạo, mở rộng tuyến cao tốc hiện hữu cũng đang được lên kế hoạch, chuẩn bị phương án thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nguồn vốn thực hiện lại đang gặp khó khăn.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, hạ tầng TP HCM kết nối với Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu qua cửa ngõ phía Đông gồm: Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thời gian qua TP HCM cùng Bình Dương, Đồng Nai có chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhưng TP HCM vẫn gặp khó khăn vì nguồn vốn hạn chế. Đặc biệt ông Bằng cho biết, Luật PPP vừa thông qua đã khiến cho việc kêu gọi tư nhân đầu tư hạ tầng khó khăn hơn. Các dự án như Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài khó khả thi nếu kêu gọi tư nhân hỗ trợ vốn.
Trong khi đó, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, thuộc Bộ GTVT) cho rằng, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần linh hoạt trong việc kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng giao thông. Khi có nguồn vốn, phải tập trung vào cho công tác giải phóng mặt bằng để dự án được thực hiện nhanh chóng.