Những ngày này, người làm công tác Mặt trận các cấp hối hả lo Tết cho hộ nghèo. Những người làm công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng vậy. MTTQ các cấp tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực để “lo” được khoảng 10 tỷ đồng tặng quà Tết, bảo đảm không ai không có Tết. Đó là chia sẻ của ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp với PV báo Đại Đoàn Kết.
PV: Chăm lo cho người nghèo là công việc thường xuyên của Mặt trận. Nhưng Tết Nguyên đán có vị trí đặc biệt hơn. Công tác chăm lo cho người nghèo ăn Tết đang được MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông LÊ THÀNH CÔNG: Ngay từ quý III/2022, MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai chăm lo Tết cho người nghèo theo hệ thống của Mặt trận, với phương châm “không để người nghèo nào, không để bất kỳ hộ dân nào không có Tết”. Quan điểm của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh là kể cả hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn đều phải có một cái tết tươm tất. Đây là một cái tết có ý nghĩa bởi vì sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 thì đây là tết sum vầy đầu tiên. Do đó, bằng mọi cách chúng tôi phải hỗ trợ cho bà con. Để thực hiện việc này, Mặt trận đã triển khai theo hệ thống xã, huyện và tỉnh. Với phương châm chăm lo tại chỗ. Nếu ở xã lo mà vượt khả năng thì huyện hỗ trợ. Nếu vượt khả năng huyện thì tỉnh hỗ trợ. Toàn tỉnh hiện nay theo số liệu của ngành lao động thì có hơn 9.700 hộ nghèo, chiếm khoảng 2% và có hơn 15.000 hộ cận nghèo. Theo dự kiến, Mặt trận tỉnh lo khoảng hơn 10 tỷ cho người nghèo đón tết, chưa kể sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể khác.
Để có được số tiền đó cần huy động các nguồn lực từ xã hội, các nhà hảo tâm. Công tác đó có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?
- Chúng tôi thực hiện “phân cấp” tổ chức theo phương châm xã lo cho xã, huyện lo cho huyện. Những trường hợp khó khăn tỉnh sẽ hỗ trợ. Trên cơ sở rà soát thì từng xã mới phân loại ra và nguồn lực vận động xã hội hóa tại xã thì MTTQ xã chịu trách nhiệm chính. Những xã gặp khó khăn sẽ báo cáo với huyện để huyện lên phương án hỗ trợ. Tương tự, cấp tỉnh sẽ hỗ trợ huyện khó khăn. Hiện tỉnh đang vận động và năm nay cũng chia sẻ với doanh nghiệp gặp khó khăn nên nguồn lực vận động được của tỉnh cũng có hạn. Nếu khó khăn nữa thì chúng tôi sẽ dùng Quỹ Vì người nghèo của tỉnh để hỗ trợ.
Năm 2022 vừa qua là năm có nhiều biến động về kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính gặp khó khăn. Vậy Quỹ Vì người nghèo đã được triển khai vận động thế nào?
- Trong tháng cao điểm Vì người nghèo, tỉnh cũng đã vận động được hơn 10 tỷ. Nhưng số tiền này chúng tôi tập trung cho xóa nhà, lo nhà cho người nghèo. Nhưng trong quá trình vận động mà gặp khó khăn thì chúng tôi cũng xuất Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ cho người nghèo theo quy chế hoạt động của Quỹ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tương đối nhiều, trong quá trình hỗ trợ cũng như đưa ra các phương án giảm nghèo, MTTQ tỉnh đã giám sát như thế nào để không ai bị bỏ lại phía sau, thưa ông?
- Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện còn 2,17% hộ nghèo với 9.701 hộ. Qua rà soát theo tiêu chí đa chiều của ngành lao động phổ biến, còn phương pháp rà soát thông qua tổ nhân dân tự quản của Mặt trận đến cộng đồng dân cư rồi thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nhưng mà đảm bảo không sót hộ nghèo, cận nghèo bị rớt lại không được công nhận.
Hiện nay, ngoài việc giúp người nghèo xây nhà đại đoàn kết thì một trong những nội dung trọng tâm để giảm nghèo đa chiều là hỗ trợ sinh kế cho người nghèo để họ thoát nghèo bền vững. Câu nói mà người ta vẫn sử dụng đó là hỗ trợ người nghèo cần câu thay vì cho con cá. Việc thực hiện việc này trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
- Việc này đã được tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều năm, hỗ trợ sinh kế cho người dân để thoát nghèo bền vững thông qua các chương trình, dự án trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đề án giải quyết việc làm để cho hộ nghèo tự đăng ký thoát nghèo và đăng ký tham gia một chương trình, đề án. Gần đây, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai đề án phát triển du lịch. Do vậy, tỉnh Đồng Tháp đã gắn du lịch cộng đồng để người nghèo tham gia các hoạt động phục vụ cho du khách để làm cơ sở thoát nghèo. Việc đăng ký thoát nghèo bền vững mà thông qua các chương trình, dự án, thông qua các nguồn vốn đã làm rồi. Riêng việc vận động người nghèo tham gia hoạt động phục vụ các tour du lịch tại cộng đồng nơi họ đang sinh sống để thoát nghèo thì mới triển khai thí điểm. Bước đầu chúng tôi thấy các gia đình tham gia rất nhiệt tình.
Vậy trong năm 2023, MTTQ tỉnh đưa ra phương hướng, trọng tâm như thế nào để chăm lo cho người nghèo được tốt hơn, thưa ông?
- Trong năm 2023, tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục duy trì, vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục tham gia mô hình sinh kế để thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thông qua nguồn Quỹ Vì người nghèo để họ hỗ trợ nhà ở an cư, lạc nghiệp. Cho nên trong năm 2023, chúng tôi sẽ tập trung để lo nhà cho người nghèo. Những xã nào đạt nông thôn mới thì cơ bản địa phương xóa hết được nhà dột nát cho người nghèo. Nếu huyện nông thôn mới thì huyện đó sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Việc giải quyết sẽ được thực hiện ở từng xã, từng huyện để làm sao vừa đạt chuẩn nông thôn mới, vừa “xóa trắng” được hộ nghèo. Từ đó dần nhân rộng cách làm ở các địa phương khác trong tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!