Đồng vọng

Lê Na 06/12/2015 09:30

40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ  sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới.

Đồng vọng

Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: Hoàng Long).

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA phổi hợp tổ chức (từ 1 đến 3/12/015) được coi là một dấu mốc lịch sử.

Vì chưa khi nào một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò các tôn giáo trước một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, đó là cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà ở đó, lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng những thông điệp của từng tôn giáo, bằng Cam kết của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị diễn ra tại cố đô Huế đúng vào thời điểm Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) cũng diễn ra tại thủ đô Paris, nước Pháp. Nhưng những thông điệp của hai hội nghị này, dù nhỏ bé, dù lớn lao đến đâu, dù Paris và Huế ở hai châu lục hoàn toàn cách biệt thì cuối cùng vẫn chung một khát vọng: bảo vệ môi trường.

Bởi vậy, đối với nhiều người, việc được có mặt tại hội nghị giống như một món quà. Bà Anne Marie Helland, Tổng Thư ký toàn cầu của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA, người đã từ chối không tham dự COP21 để đến Huế cũng vì nhân duyên đó. Với bà Anne, COP21 là nơi để các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách lớn lao, còn ở Hội nghị này, người Việt Nam lại hiện thực hoá tinh thần đó bằng những việc cụ thể nhất, thiết thực nhất để cùng nhau bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng vọng - 1

Bà Anne Marie Helland -
Tổng Thư ký toàn cầu của tổ chức
Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA:

“Các bạn chính là hình mẫu tiêu biểu để chúng tôi thực hiện sứ mệnh toàn cầu của mình bằng cách chia sẻ với các nước khác trong việc huy động vai trò của tôn giáo để tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Nhưng điều cuốn hút bà Tổng Thư ký toàn cầu của NCA đến với hội nghị này còn có một lẽ khác, một điều mà bà đánh giá là chưa bao giờ được chứng kiến, chưa có một đất nước nào trên thế giới này làm được khi tất cả các tôn giáo cùng ngồi lại với nhau dưới sự huy động của Mặt trận để bàn về một câu chuyện lớn lao mà cả nhân loại đang phải đối mặt.

Chỉ riêng hình ảnh đó thôi đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ mà người Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế như lời khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: “Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hôm nay và tương lai”.

“Ứng phó với biến đổi khí hậu vì một tương lai xanh” thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Paris cùng với thông điệp của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân “Huy động sức mạnh đại đoàn kết để khắc phục và bảo vệ môi trường” đã mang tới khát vọng tương đồng khi lần lượt 14 lãnh đạo tôn giáo đại diện cho 22 triệu đồng bào có đạo ở Việt Nam đứng lên tuyên bố thông điệp của mình.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình. Người Công giáo Việt Nam khẩn thiết kêu gọi: Hãy cứu trái đất trước khi quá muộn.

Công đồng Tin lành Việt Nam mong mỏi, tất cả hãy chung sức, đồng lòng, hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống.

Các hội thánh Cao Đài thì thiết tha với mục tiêu hòa bình và thương yêu cả muôn loài trong thiên nhiên.

Phật giáo Hoà Hảo thì cho rằng, bảo vệ môi trường là bổn phận.

Trong khi đó, Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam kêu gọi, hãy sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

Minh Lý đạo mang tới thông điệp: Ứng phó với biển đổi khí hậu là mệnh lệnh của lương tâm.

Minh Sư đạo thì khẩn thiết cho rằng, bảo vệ môi trường là tự chúng ta cứu lấy chúng ta.

Hãy vì một môi trường sống bền vững là thông điệp của Bửu Sơn Kỳ Hương. Giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường là thông điệp của Cộng đồng Baha’i Việt Nam.

Đạo Chăm Bàlamôn thì ứng phó với biến đổi khí hậu với tinh thần “Tốt đời đẹp đạo”.

Tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ủng hộ mạnh mẽ các thông điệp của các tôn giáo bằng những hành động thiết thực.

Cộng đồng Hồi giáo tuyên bố rằng, sẽ ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai.

Và cuối cùng, đạo Mặc Môn Việt Nam (Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kitô) cam kết sẽ chung tay với các tôn giáo bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, các tôn giáo dùng các khái niệm, ngôn ngữ khác nhau khi nói về nội dung này, nhưng đều gặp nhau ở quan điểm lớn: đó là chúng ta cùng sống chung trên Mẹ Trái đất và đang phải đối mặt với những yếu tố hủy hoại trái đất. Để khắc phục vấn đề này, tất cả mọi người cùng tham gia từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đến từng tôn giáo, cho đến mỗi người.

Chính từ những thông điệp này, một Tuyên bố cam kết chung được xác lập. 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam cùng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các tác động của ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đối với sự sống của con người và muôn loài. Các tôn giáo hiểu rằng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật hay kinh tế, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng và trách nhiệm cao.

Đồng vọng - 2

Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân:

“Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hôm nay và tương lai”.

40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới.

Đó chính là cơ hội để chúng ta thực hiện sứ mạng và niềm tin được giao phó: Trí tuệ, tình yêu và sự chia sẻ.

14 tôn giáo cũng bày tỏ sự ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời kêu gọi các nỗ lực phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chăm sóc con người, sự sống trên trái đất, cùng với các nỗ lực bảo vệ cộng đồng bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, 14 tôn giáo cam kết bằng các hành động thiết thực tại cộng đồng tôn giáo của mình.

Cam kết mạnh mẽ của 14 tôn giáo Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tất cả những ai được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy như thấy được trách nhiệm nhỏ bé của mình trong sứ mệnh của cả nhân loại khi đang phải cùng nhau khắc phục và bảo vệ môi trường.

Tổng Thư ký toàn cầu của NCA đã phải thốt lên: “Các bạn chính là hình mẫu tiêu biểu để chúng tôi thực hiện sứ mệnh toàn cầu của mình bằng cách chia sẻ với các nước khác trong việc huy động vai trò của tôn giáo để tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hình ảnh tiêu biểu mà bà Anne Marie Helland trân trọng nhắc tới cũng chính là minh chứng sống động nhất cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam.

Là đất nước có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc, trong những năm qua, triết lý nhân sinh “tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân Việt Nam sống trong mái nhà chung Mặt trận. Vì vậy, mái nhà ấy luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào. Mái nhà ấy luôn luôn rộng mở với bất cứ ai là con dân nước Việt có chung một mục tiêu, khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khép lại để thêm một lần nữa bồi đắp giá trị dân tộc, tinh thần đại đoàn kết làm nên sức sống mới cho MTTQ Việt Nam.

Và cũng từ đây, tình yêu, sự sẻ chia sẽ kết nối những khát vọng tương đồng ngân nga như những tiếng đồng vọng không bao giờ kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng vọng