Các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, chủ yếu ở Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á, nhưng các trường hợp mắc bệnh ở châu Âu và Mỹ cũng đang được ghi nhận, ước tính có 4 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh trên toàn thế giới.
Cô Ana Luísa Braga - một nhân viên xã hội và là mẹ của một đứa trẻ 3 tuổi, đến từ Belo Horizonte, thủ phủ tiểu bang Minas Gerais của Brazil, đã mắc bệnh sốt xuất huyết vào tháng 3. Cô là một trong số hàng triệu người cảm nhận được tác động của loại virus này trong năm nay, khi thế giới đang vật lộn với đợt bùng phát lớn nhất từ trước đến nay. Số ca mắc bệnh ở mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2023, với 6,5 triệu ca được báo cáo trên toàn cầu và năm 2024 có khả năng sẽ tăng gấp đôi con số đó, với 12,4 triệu ca cho đến nay.
“Tôi mệt mỏi đến mức không thể chịu đựng được và điều đó thật kinh khủng khi bạn phải chăm sóc một đứa trẻ” – cô Braga nhớ lại.
Các nhà khoa học cho biết, những loài muỗi phát tán virus đang nảy nở từ quá trình đô thị hóa gia tăng, cũng như những thay đổi về khí hậu và nhiệt độ. Đồng thời, tỷ lệ béo phì cao và các tình trạng sức khỏe mãn tính khác đang khiến mọi người dễ bị tổn thương hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, 4 tỷ người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và các loại virus liên quan và con số này sẽ tăng lên 5 tỷ người vào năm 2050. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết, sự lây lan nhanh chóng trong những năm gần đây là "xu hướng đáng báo động".
Vào ngày 3/10, ông Ghebreyesus đã phát động một chiến lược toàn cầu "để chống lại sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác lây truyền qua cùng một loại muỗi, chẳng hạn như Zika và chikungunya. Các hành động trong kế hoạch, từ giám sát đến các nỗ lực kiểm soát muỗi, sẽ cần 55 triệu USD trong năm tới.
Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết trong năm nay và năm ngoái đều tập trung ở Mỹ Latinh, một số lượng lớn cũng được báo cáo ở một số vùng của châu Phi và Đông Nam Á. Nhưng các ca nhiễm còn đang xuất hiện trên toàn thế giới, bao gồm cả ở châu Âu.
Giáo sư Sophie Yacoub - người đứng đầu nhóm nghiên cứu sốt xuất huyết tại đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại TPHCM - cho biết, thế giới đang phải đối mặt với sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm khủng hoảng khí hậu, gia tăng di cư và đô thị hóa.
Theo bà Yacoub, loài muỗi có xu hướng mang theo sốt xuất huyết là Aedes aegypti, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Nhưng một loại thứ hai cũng có thể lây lan virus là Aedes albopictus – muỗi vằn. Nó có thể sống sót trong phạm vi nhiệt độ rộng hơn và đã định cư ở những khu vực mới. Nó thích nghi tốt với môi trường đô thị và có thể sinh sản trong một lượng nước đọng nhỏ. “Đây là nguyên nhân gây ra sự lây truyền cục bộ ở châu Âu và nó cũng đang lan sang Trung Quốc và các tiểu bang phía nam nước Mỹ” – bà Yacoub nói.
Những thay đổi về khí hậu không chỉ giúp muỗi sống sót ở những khu vực mới mà còn có thể tạo ra nơi sinh sản mới cho muỗi khi gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt. Sóng nhiệt có thể đẩy nhanh chu kỳ sinh sản.
Trong một báo cáo khoa học được công bố vào tháng 9 năm nay trên tạp chí IJID Regions, một tạp chí chính thức của Hiệp hội quốc tế về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Najmul Haider - giảng viên về dịch tễ học tại Đại học Keele - đã nêu bật về sự tăng đột biến số ca bệnh.
Ông Haider muốn nâng cao cảnh báo rằng, đây là một con số đáng báo động và nó còn đang gia tăng. "Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết đều không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, họ không đến hệ thống chăm sóc sức khỏe vì vậy họ không được phát hiện” – ông Haider nói và cho rằng, vì tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp hơn so với sốt rét nên căn bệnh này ít được ưu tiên hơn, đặc biệt là ở các quốc gia có nguồn lực hạn chế.
Tuy nhiên, theo bà Yacoub, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết đã bắt đầu thay đổi: “Có những nguy cơ tương tự như Covid-19, những người bị béo phì, tiểu đường hoặc các bệnh nền khác có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong cao hơn. Khi sốt xuất huyết ảnh hưởng đến nhiều quốc gia cũng có tình trạng béo phì hoặc tiểu đường gia tăng thì có nghĩa là hai đại dịch này đang kết hợp với nhau”.
Cho đến nay, không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết, việc chăm sóc tại bệnh viện thường chỉ hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Một thử nghiệm về một loại thuốc kháng virus đầy hứa hẹn được Johnson & Johnson phát triển nhưng đã bị dừng vào đầu tháng này.
Nhóm của bà Yacoub đang tiến hành các thử nghiệm để tìm hiểu xem liệu các loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng khác có hiệu quả chống lại sốt xuất huyết hay không.
Hai loại vaccine chống sốt xuất huyết đã được đưa ra thị trường, nhưng một loại có tên Dengvaxia, chỉ hữu ích cho những người đã từng bị nhiễm bệnh, nếu không, nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng. Điều này hạn chế tính hữu ích của nó, đặc biệt là đối với các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Loại thứ hai, Qdenga, được coi là có triển vọng hơn và đang được sử dụng ở Brazil để kiểm soát các trường hợp tại các điểm nóng sốt xuất huyết.
Trong bối cảnh chưa có thuốc mới, nhiều người dân ở các điểm nóng đang sử dụng các biện pháp chữa bệnh truyền thống như trà đu đủ, mặc dù thiếu bằng chứng khoa học để hỗ trợ việc sử dụng.
Tiến sĩ Michael từ Đại học Southampton cho biết, sốt xuất huyết là gánh nặng bệnh tật lớn nên các lựa chọn điều trị sẽ hữu ích. Nghiên cứu sâu hơn về các loại thuốc kháng virus tiềm năng, cho dù dựa trên đu đủ hay bất kỳ thứ gì khác, có thể là cần thiết để kiểm soát một cách lâu dài bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu.