Quốc tế

Sốt xuất huyết chưa dừng lại

Thanh Đức 18/12/2023 07:13

Bangladesh ghi nhận hơn 1.200 người tử vong và hơn 250.000 người nhiễm virus, tăng nhiều lần so với 2022.

anh-bai-chinh(1).jpg
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đại học Salimullah ở Dhaka (Bangladesh). Ảnh: REUTERS.

Giới chức Bangladesh bày tỏ lo ngại về dịch sốt xuất huyết (SXH) lan rộng, kéo dài. Năm 2022, cả nước ghi nhận 281 trường hợp tử vong do SXH thì năm nay đã gấp nhiều lần. Tình hình trở nên tồi tệ khi các bệnh viện ở thủ đô Dhaka phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thiết yếu để đáp ứng làn sóng bệnh nhân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận bệnh SXH đã lan rộng ra tất cả 64 vùng của Bangladesh. Bệnh nhân nhiễm virus đau đầu, buồn nôn, đau cơ và khớp, và trong một số trường hợp có thể tử vong.

Vẫn theo WHO, biến đổi khí hậu được xác định là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng số ca SXH trên toàn thế giới, mà Bangladesh chính là tâm dịch. Khí hậu gió mùa ẩm ướt và nhiệt độ cao hơn tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi Aedes (muỗi vằn) mang virus gây bệnh. Trong khi đó dân số mật độ cao ở Dhaka dễ bị ảnh hưởng bởi dịch SXH. Mật độ dân số ở khu vực đô thị của Dhaka lên tới 23.234 người/km2.

Tuy nhiên, SXH không chỉ nghiêm trọng ở Dhaka, mà lan rộng ra nhiều nơi, nhất là vùng biên giới giữa Bangladesh với Ấn Độ. Dòng người di chuyển qua biên giới là một nguy cơ tiềm tàng cho sự lây lan của bệnh SXH, do việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn.

Bác sĩ Hosen, người được đánh giá cao trong việc điều trị bệnh nhân SXH ở Dhakar cho biết, mùa đông đã tới nhưng lại là một mùa đông ấm, nên cũng không giúp gì được nhiều trong cuộc chiến chống lại virus Dengue. “2023 là một năm đầy khó khăn, không chỉ ở những sự cố thiên tai, mà còn là dịch SXH. Mùa hè đã chấm dứt nhưng dịch SXH vẫn không chịu dừng bước ” - bác sĩ Hosen nói.

Trong khi đó, các chuyên gia của WHO tiếp tục cảnh báo hình thái thời tiết mưa bất thường do tác động của biến đổi khí hậu đang làm gia tăng số ca mắc bệnh SXH tại nhiều khu vực rộng lớn ở Nam Á và Đông Nam Á.

Bài viết trên tờ Nikkei Asia số ra gần đây cho biết, dịch SXH đã lưu hành tại nhiều quốc gia trong khu vực kể từ tháng 5 và bắt đầu lan ra diện rộng chỉ một tháng sau đó. Cho đến hết tuần đầu tháng 12, đã ghi nhận 22.900 ca (không tính Bangladesh), đánh dấu đợt bùng phát dịch SXH huyết lớn thứ hai trong 10 năm qua tại Đông Á và Đông Nam Á. Cùng với Bangladesh, Thái Lan, Malaysia cũng ghi nhận tình trạng các ca bệnh SXH tăng mạnh, ít nhất là gấp đôi so với năm ngoái.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), dịch SXH khiến nhiều trẻ em dưới 15 tuổi bị ảnh hưởng nặng nề, ước chiếm tới 65% trong tổng số các ca bệnh. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn chỉnh nên diễn biến bệnh phức tạp hơn. Nhiều chuyên gia y tế bày tỏ quan ngại rằng dịch SXH ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới, chủ yếu là do hoạt động đi lại giữa các quốc gia. Trước đây, SXH từng được coi là một căn bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng đến nay nhiều khu vực khác trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, cũng không tránh được loại virus này. WHO cho biết, năm 2022, thế giới ghi nhận 4,2 triệu ca mắc bệnh SXH, cao gấp 8 lần so với số liệu của năm 2000. Năm 2023, dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng bệnh nhân SXH chắc chắn sẽ vượt năm 2022.

Vậy, cơ chế lây bệnh SXH là gì?

Theo WHO, SXH do bị muỗi vằn đốt là đường lây phổ biến nhất. Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi Aedes, hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt hút máu người bệnh SXH hoặc người bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virus vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

SXH còn có thể lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Có khả năng gây bệnh nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm. Tuy rằng đường lây bệnh này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt.

Không chỉ lo ngại về dịch SXH, WHO còn cho rằng biến đổi khí hậu đã khiến cuộc chiến chống bệnh sốt rét trở nên khó khăn hơn, khi mà nỗ lực này đang cần phải được tăng cường để bù lại khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa ảnh hưởng đến khả năng sống của muỗi mang mầm bệnh, với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và lũ lụt đã làm gia tăng số ca bệnh. Mức nhiệt lý tưởng để muỗi gây bệnh sốt rét sinh sản và sinh tồn là từ 20-27 độ C. Năm 2022, thế giới ghi nhận 249 triệu ca sốt rét, trong đó 608.000 ca tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết chưa dừng lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO