Chậm cải cách thủ tục, bảo lưu cơ chế xin – cho, đó là những hiện điểm yếu cố hữu đang vô tình kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, nhiều cơ sở. Mong muốn thiết lập cho được cơ chế quản lý hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đặt ra nhu cầu đột phá về phân cấp, phân quyền. Cấp trên giao trách nhiệm nặng nề cho cấp dưới thì phải gắn liền với việc giao đầy đủ quyền hạn. Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố sẽ t
Theo kế hoạch, trong tháng 12/2016 này, TP Hồ Chí Minh hoàn thiện đề án phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, quận – huyện nhằm nâng cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
Lý giải về việc thực hiện phân quyền mạnh cho sở ngành, quận – huyện lãnh đạo thành phố cho biết, các sở ngành, quận – huyện đang quản lý hầu hết hoạt động liên quan đến thuế, môi trường, xây dựng, bảo hiểm, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì thế mà sở ngành, quận – huyện đóng vai trò quan trọng trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu cụ thể.
Đến năm 2020 thành phố có thực hiện được mục tiêu xây dựng 500.000 doanh nghiệp hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của sở ngành, quận – huyện.
Lãnh đạo cấp thành phố chỉ đạo sở ngành, quận – huyện tạo điều kiện hỗ trợ người dân về thủ tục hành chính chuyển đổi mô hình kinh tế, thủ tục thành lập mới doanh nghiệp nhưng nếu các cấp này không thực hiện hoặc dây dưa kéo dài do không được giao đủ thẩm quyền thì kết quả sẽ không như mong đợi.
Có thể dẫn chứng một vấn đề cụ thể bị trì kéo lâu nay, liên quan đến tình trạng giao trách nhiệm nhưng thiếu quyền chủ động của các sở ngành và quận, huyện là việc cải tạo chung cư trên địa bàn. Nhận thức rõ về nhu cầu cấp thiết phải phân quyền mạnh cho các quận – huyện, vừa qua lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chủ động giao quận – huyện “làm chủ” thực hiện chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch đề ra, quận – huyện tự quyết những vấn đề liên quan như: thẩm định chất lượng sử dụng của chung cư, phương án bồi thường, chọn nhà thầu.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, thành phố có 474 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1975) là con số không nhỏ - nếu giao nhiệm vụ cho một vài đầu mối thực hiện thì không biết khi nào kế hoạch mới hoàn thành. Phân cấp về cho quận – huyện thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện, đồng thời tạo hiệu quả có thể cao hơn vì trách nhiệm được chỉ rõ.
Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, việc phân quyền mạnh mẽ cho sở ngành, quận - huyện tại thành phố Đà Nẵng cũng thực hiện từ đầu năm 2016. TP Đà Nẵng thực hiện phân bổ vốn ngân sách hàng năm xuống thẳng cho quận – huyện.
Đồng thời giao sở ngành, quận – huyện những việc thuộc về chức năng quản lý, điều hành đã được phân cấp. Lãnh đạo TP Đà Nẵng từng cho rằng, nếu không giao quyền, khi cơ quan quản lý hành chính bên dưới làm sai thì việc quy trách nhiệm cũng rất khó.
Trong trường hợp đó, cấp làm sai hoàn toàn có thể “vịn” vào lý do không có quyền hành, quyền lực gì cả, thì sai bị quy lỗi là không được.
Rõ ràng phân cấp, phân quyền mạnh cho các cấp địa phương không chỉ giảm gánh nặng “dưới đùn đẩy lên trên” mà còn tăng tính chủ động của cấp dưới. Phân cấp, phân quyền chỉ đơn giản là tối ưu hóa một giải pháp quản lý sao cho thuận lợi, hiệu quả và nhanh chóng nhất.
Song vấn đề quan trọng hơn cả, đối với đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh là việc phân cấp, phân quyền chắc chắn phải đi đôi với trách nhiệm cho người đứng đầu sở ngành, quận – huyện, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố, sai sót.
Phân quyền mạnh cho sở ngành, quận – huyện đang được nhiều tỉnh thành hướng đến không chỉ ngoài lý do tăng tính trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị.
Phân quyền mạnh cho sở ngành, quận – huyện từng bước hướng đến triệt tiêu cơ chế xin – cho tồn tại cố hữu trong thời gian qua, giúp giảm tải công việc cho cấp trên.
Giao trách nhiệm nhưng không giao quyền hoặc không giao đủ quyền là hiện tượng bất cập làm trì trệ bộ máy, kìm hãm sự phát huy tiềm năng địa phương.
Lãnh đạo quản lý nhà nước các cấp không ít nơi vẫn thường than thở “nghe thì to nhưng chẳng có quyền gì”, không được phân quyền cụ thể thì không có lực thực hiện, bất kỳ việc lớn – nhỏ nào đều không thể mạnh dạn quyết định mà phải tuân thủ “xin – cho”.
Theo lối mòn của cơ chế xin – cho, buộc cấp dưới phải hỏi ý kiến lãnh đạo cấp cao hơn. Điều này vô hình trung hình thành nên “chuỗi dây chuyền” hỏi ý kiến với các cơ quan liên quan.
Cụ thể, cấp phường – xã hỏi ý kiến cấp quận – huyện, quận - huyện thông báo chờ đợi vì đang hỏi ý kiến sở ngành liên quan, còn không thì chờ ý kiến chỉ đạo của cấp tỉnh – thành. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, tỉnh – thành phải xin ý kiến bộ ngành, trung ương. Thường thường một chu kỳ dây truyền cấp dưới xin hỏi, cấp trên trả lời mất rất nhiều thời gian.
Có một số trường hợp liên quan đến thủ tục hành chính, thay vì bản thân tỉnh – thành được phân cấp quyền lực có thể quyết đoán tức thì nhưng lại phải kéo dài hàng mấy tháng để chờ đợi công văn đồng ý chấp thuận của các bộ ngành.
Nói về việc phân quyền, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thời gian qua luôn bày tỏ tính cấp thiết của việc Trung ương phân quyền hơn nữa cho thành phố để chính quyền đô thị đặc biệt này chủ động quyết định đến những việc liên quan thuộc thẩm quyền, nhằm phát huy tính chủ động và tiềm năng của thành phố.
Bởi, cơ chế xin – cho mất nhiều thời gian, tước đi không ít cơ hội cần phải tận dụng kịp thời vì yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Mong mỏi tháo được “vòng kim cô” cơ chế xin – cho vừa tăng tính trách nhiệm, vừa tăng tính chủ động, bên cạnh đó còn giảm tải áp lực cho cấp trên.
Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh phân cấp, phần quyền cũng rất cần phải tách bạch, rõ ràng cái gì cần phân quyền và cái gì không cần phân quyền, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm phòng tránh nạn lạm quyền. Tức là phải có quy chế hợp lý chứ không phân quyền một cách tùy tiện.
Thiết nghĩ, để thành công trong thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp dưới, đòi hỏi phải chuẩn bị nguồn nhân sự có trình độ, có năng lực tương xứng.