Dự án xử lý đê cấp bách được phê duyệt hơn 145 tỷ ở Bắc Giang vừa đưa vào sử dụng đã hỏng đang khiến dư luận bức xúc.
Đê trăm tỷ vừa bàn giao đã hỏng
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 26/4/2019, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang (Khi ấy đang làm Phó Chủ tịch) ký quyết định số 663/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án: Xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (Vốn dự phòng ngân sách Trung ương 120 tỷ; vốn đối ứng ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng).
Dự án nói trên được giao cho Ban quản lý dự án ĐTXD các công trình Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư (Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT).
Ngay sau khi có quyết định trên, ngày 4/5/2019, ông Mạnh Quân Phúc, Giám đốc Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT đã nhanh chóng gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa có văn bản giao cho đơn vị tư vấn thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án nói trên để chủ đầu tư tiến hành công việc.
Liên danh 2 nhà thầu ở Ninh Bình có tên Công ty TNHH Mạnh Linh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức Hà được chủ đầu tư lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu để thực hiện dự án.
Tháng 7/2019, công trình đê tả sông Cầu nằm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, Việt Yên có chiều dài 27,6km được khởi công và chỉ mấy tháng sau, ngày 31/12/2019 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đến tháng 6/2020, dự án nói trên chính thức được nghiệm thu, bàn giao.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng tuyến đê đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn đã phải phá đi làm lại. Cùng với đó, không ít đoạn bị bong tróc, vết nứt kéo dài khiến mặt đường gập ghềnh cao thấp.
Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân ở khu vực đê tả sông Cầu bày tỏ thất vọng: Ngân sách chi ra rất lớn nhưng đường mới đưa vào sử dụng mà xuống cấp, hư hỏng thì thực sự lãng phí, thiếu trách nhiệm quản lý. Hiện cả tuyến đê bị nứt lớn, cứ tình trạng này không bao lâu nữa đê lại nát như tương.
“Việc đê vừa làm xong đã hỏng, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét năng lực nhà thầu được chỉ định. Đồng thời, cần xem dự án có thực hiện đúng thiết kế, có dấu hiệu rút ruột công trình hay không và hơn hết, cũng cần phải xem trách nhiệm giám sát, quản lý của các đơn vị liên quan”, người dân cho hay.
Đường hỏng là vì xe quá tải?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình trạng đường hỏng như trên, đơn vị thi công cũng đã tiến hành sửa chữa, khắc phục. Song, hàng loạt các vết nứt dài được khắc phục bằng cách trám hắc ín xuống các vết xé dưới lòng đường. Nhiều đoạn, phải múc bỏ cả mảng bê tông lên chất thành đống ngay lề đường để thay thế bê tông mới vào.
Tuy nhiên, qua ghi nhận, hiện nhiều điểm mặt đường không bằng phẳng, đoạn thấp đoạn cao khiến tuyến đê trở nên nhem nhuốc, chắp vá và tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước thông tin trên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cũng đã có buổi làm việc với ông Mạnh Quân Phúc, Giám đốc Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT. Tại buổi làm việc, ông Phúc thừa nhận có việc đê xuống cấp khi vừa bàn giao.
“Thực tế, quanh khu vực đê có các bãi vật liệu nên các xe có trọng tải lớn thường xuyên đi lại. Hơn nữa công trình vừa làm vừa sử dụng, không cấm xe trọng tải lớn nên sau khi làm xong là hỏng”, ông Phúc cho hay.
Ông Phúc cũng cho rằng, chủ đầu tư đã có kiến nghị lên UBND tỉnh, UBND các huyện để hạn chế xe quá tải. Đồng thời, đã xây cột ngăn chặn xe quá tải nhưng bị phá dỡ.
Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng đê hỏng, ông Phúc nói thuộc về chính quyền địa phương.
Liên quan đến dự án đê nói trên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cũng đã liên hệ trực tiếp với ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ông Thái thông tin sẽ cho kiểm tra và có lịch hẹn làm việc với phóng viên vào tuần sau.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ cập nhật và thông tin vụ việc đến bạn đọc!