Sau khoảng 12 năm triển khai thi công, dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến nay đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện. Dự kiến, tuyến đường dài hơn 16km này sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2024, sau nhiều năm trễ hẹn.
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 671 tỷ đồng, trong đó hạng mục cầu vượt đường sắt và cầu Hòa Xuân là hơn 109 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài hơn 16,25km có điểm đầu giao với quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến bãi biển xã Điền Lộc (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm thực hiện chức năng giao thông cứu hộ cứu nạn, phát triển hạ tầng giao thông làm tiền đề xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng ven biển... Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.
Theo quyết định đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, thời gian thực hiện dự án này là 3 năm kể từ ngày khởi công (dự án được khởi công vào năm 2012). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Ông Lê Văn Thảo (trú tại thị trấn Phong Điền) cho biết, dự án này được triển khai và kéo dài đến nay cũng đã hơn 10 năm. “Mong rằng, dự án sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng để người dân có thể đi lại thuận tiện hơn” - ông Thảo nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nguyên nhân công trình chậm tiến độ, kéo dài qua hơn 10 năm là do dự án trước đây được bố trí nguồn vốn từ Chương trình xây dựng các tuyến đường cứu hộ cứu nạn của Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có nghị quyết siết chặt đầu tư công, dự án này nằm trong diện phải tạm hoãn, tạm dừng trong 3 năm. Phần nữa, do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí thêm các nguồn vốn khác nhưng chỉ đủ để phục vụ cho việc đi lại của người dân, không thể đưa dự án về đích đúng như kế hoạch ban đầu.
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 15, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII vào tháng 1/2024 đã quyết nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư tại đường cứu hộ - cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc. Theo đó, dự án sẽ được điều chỉnh theo hướng bổ sung thêm hơn 100 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư tại dự án này hơn 777 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng vốn cho dự án đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc nhằm phục vụ tái định cư cho người dân, bổ sung cây xanh, mở rộng mặt đường đồng nhất từ 7,5m lên thành 15m…
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi được bố trí tăng vốn và tích cực thực hiện công tác di dời, giải phóng mặt bằng, công trình dự án đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc hiện trong giai đoạn thi công nước rút, đặc biệt là tại hạng mục phức tạp nhất là cầu vượt đường sắt Bắc - Nam nằm ở đầu tuyến, thuộc địa bàn thị trấn Phong Điền.
Hạng mục này được khôi phục thi công trở lại vào tháng 5/2022, sau nhiều năm bị gián đoạn. Do tính chất công trình vừa đảm bảo lưu thông trên Tỉnh lộ 9, vừa đảm bảo an toàn chạy tàu nên phương án thi công là hoàn thành đơn nguyên bên phải để lưu thông. Nhánh bên trái cầu vượt đường sắt trùm lên đường Tỉnh lộ 9, trong đó 2 trụ cầu nằm ngay rào chắn đường sắt sẽ được thi công sau thông xe trên nhánh phải và xin phép xóa gác chắn đường sắt. Dự kiến bắt đầu thi công từ tháng 6/2024.
Riêng đoạn tuyến từ Quốc lộ 49A (xã Phong Chương) đến cuối tuyến (xã Điền Lộc) dài 3,5km, hiện được đơn vị thi công hoàn thiện phần đắp nền cấp phối, dự kiến sẽ thông tuyến theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện nay dự án đã thi công được khoảng 65% khối lượng công việc, dự kiến, toàn bộ công trình đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc sẽ hoàn thành, thông tuyến, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024.
Được biết, công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ là tuyến đường quan trọng, kết nối khu vực Ngũ Điền, không chỉ cho việc đi lại của người dân, mà còn sử dụng trong việc cứu hộ, cứu nạn, góp phần tạo bộ mặt mới cho đô thị Phong Điền. Đồng thời, tuyến đường này kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối và mở rộng không gian đô thị trong định hướng đưa huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025.