Quá trình thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ ĐT261 ở tỉnh Thái Nguyên đang xuất hiện những dấu hiệu kém chất lượng, không minh bạch về thông tin của chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ ĐT216 có tổng chiều dài 19 km theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, bề rộng nền đường là 7,5 m; bề rộng mặt đường là 5,5 m. Công trình thoát nước và hệ thống an toàn giao thông được đầu tư hoàn chỉnh. Điểm đầu tuyến là Km1+00 thuộc địa phận xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), điểm cuối tuyến là Km20+00 thuộc địa phận thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ). Trên tuyến có 15 cầu, cống hộp, trong đó đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 4 cầu; 11 cầu, cống hộp còn đảm bảo được bổ sung hệ thống lan can, biển báo để bảo đảm an toàn giao thông.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư của Dự án là gần 219 tỷ đồng. Trong đó hơn 197 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, gần 22 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Toàn dự án được chia làm 4 gói thầu và có khá nhiều liên danh nhà thầu có tên tuổi ở tỉnh Thái Nguyên thi công.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi công thì công trình này đã xảy ra không ít những phản ánh của người dân và dư luận về những dấu hiệu về chất lượng thi công không được đảm bảo.
Ghi nhận thực tế thi công dự án tại xã Bình Thuận, bằng cảm quan dễ nhận thấy sắt dầm ở trên các thành đều bị hoen gỉ, bê tông mà nhà thầu thi công ở đây được trộn khá ẩu: cát trộn bê tông lẫn đất tạp, đá trộn bê tông lẫn đất khi được trộn với xi măng Quang Sơn PCB 300HQ thì ra một sản phẩm bê tông màu…đất đỏ, không giống như màu bê tông thông thường.
Tại xã Cát Nê, hệ thống rãnh thoát nước đã làm xong, nhưng qua quan sát dễ dàng nhận thấy bê tông đã trơ đá, xuất hiện các vết nứt, lỗ rỗ trong khối bê tông, thậm chí sắt còn trơ ra ngoài khối bê tông.
Theo phản ánh, ngày 4/11/2021 tại vị trí thi công xóm Đình (xã Cát Nê) đã xảy ra sự cố khiến khoảng 12 m cống thoát nước bị lún nứt, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, buộc phải phá đi sửa chữa lại đã khiến người dân cũng như dư luận lo ngại về chất lượng thi công, giám sát. Những ý kiến phản ánh cho rằng, hạng mục cống, rãnh thoát nước trên một số đoạn của tuyến đường được giao lại cho các chủ xây dựng nhỏ lẻ thi công nên khó kiểm soát về chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn của thiết kế, việc lu nền mương không đạt yêu cầu nên dẫn đến sự cố ngay sau khi mới thi công.
Thông tin về vấn đề trên, ông Hoàng Tiến Dũng, Phó phòng QLDA2, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông cho biết: Chất lượng thi công thường xuyên được kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng thì mới cho làm. Những vấn đề phản ánh và thực tế là do ảnh hưởng trong quá trình lu nền dẫn đến nứt vỡ, trước khi nghiệm thu sẽ phải sửa lại bình thường. Đó là do “tai nạn” trong thi công, sẽ yêu cầu đập ra xây lại. Khi đổ bê tông, đã yêu cầu kiểm tra, có tư vấn giám sát kiểm tra, khi nào đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu.
Lý giải việc bê tông bị nứt, có thể cạy lên được, có lẫn đất, ông Dũng cho rằng: Do mưa nên bùn đất lọt vào khe nứt. Tại hiện trường anh em cố gắng kiểm tra chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ, thủ tục pháp lý thì phải chuẩn, cơ quan làm cái gì cũng phải chuẩn hết. Hiện tại, vật liệu xây dựng như sắt, xi măng được sử dụng nhiều loại, có chỉ định cụ thể hoặc tương đương nhưng phải đạt những yêu cầu kỹ thuật.
Theo ông Dũng, sắt thép và xi măng có rất nhiều loại khác nhau được sử dụng, cũng có cụ thể từng loại nhưng có thể thay thế bằng loại vật liệu của các nhà sản xuất khác tương đương. Có 4 gói thầu liên danh với 8 đơn vị trúng thầu, gồm: Gói 1 do liên danh Công ty Havico - Công ty BCD - Công ty Việt Cường thi công; Gói 2 do Công ty Tân Thịnh - Công ty Minh Trâm thi công; Gói 3 do Công ty Hữu Huệ - Công ty Giao thông 1 thi công; Gói 4 do Công ty Hoàng Hải - Công ty Hoàng Sơn thi công. Tất cả các công ty này đều đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 140 tỷ đồng(?!). Tuy nhiên, ông Dũng không cung cấp được những thông tin cụ thể về vấn đề đấu thầu, trúng thầu, phê duyệt thiết kế, nguyên vật liệu,… vì cho rằng “không đủ thẩm quyền và không có sự chỉ đạo để cung cấp”.
Trưởng Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên, ông Ngô Mạnh Cường cho biết: “Có phản ánh gì thì chúng tôi làm rõ, còn tài liệu liên quan đến việc đấu thầu, dự án theo quy định không thể cung cấp được”.
Trước những phản ánh về chất lượng công trình thi công không đảm bảo, việc đấu thầu, lựa chọn thầu, thiết kế thi công, phương án thi công, dự toán công trình… không được chủ đầu tư minh bạch, công khai đã khiến dư luận hoài nghi về việc dự án liệu có được triển khai theo đúng quy định của pháp luật?. Tại sao cùng một hạng mục với khoảng 19km nhưng dự án phải chia nhỏ thành 4 gói thầu với nhiều đơn vị liên danh thi công cùng một hạng mục. Việc công khai, minh bạch thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội tham gia kiểm tra giám sát kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng là cần thiết, nhưng Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên lại không thể cung cấp.
ThS.Nguyễn Tấn Vinh (Viện kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) chia sẻ: Việc phân chia dự án thành các gói thầu một cách hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gói thầu, dự án, giảm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ đầu tư, nhà thầu và cả xã hội. Tồn tại thực tế, việc chia tách gói thầu không hợp lý thường xảy ra ở các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ và vừa ở các địa phương nhằm chia nhỏ gói thầu theo kiểu “chia phần”, mỗi nhà thầu “quen biết” trúng một phần. Trường hợp như thế này thường xảy ra rõ nét ở công trình đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo tuyến.