Đó là Dự án Thủy điện Nước Chè tại xã Phước Mỹ, Phước Năng huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty CP Thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư với công suất 30MW, với tổng vốn đầu tư lên đến 750 tỉ đồng.
Khởi tố vì vật liệu nổ
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, liên quan đến Dự án Thủy điện Nước Chè, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Trong đó Hồ Sĩ Thái - Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Nước Chè đã được người nhà bảo lãnh tại ngoại trước Tết Nguyên đán 2021 vì lý do sức khỏe.
Cụ thể, sau một thời gian tạm dừng hoạt động với nhiều lý do, đến tháng 6/2018, dự án này bắt đầu triển khai lại. Thế nhưng, đến tháng 8/2020, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nước Chè cùng hàng loạt những người liên quan bị truy tố về hành vi “mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
Trước đó, vào trưa ngày 19/8/2020, tại công trình thi công Thủy điện Nước Chè, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH kiểm tra, phát hiện, lập biên bản bắt 4 đối tượng phạm tội quả tang về hành vi “tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Vật chứng thu gồm 460 thỏi chất dẻo, mỗi thỏi nặng 1 ký, 61 kíp nổ điện, 9 cuộn dây truyền nổ còn nguyên; 1 cuộn dây truyền nổ đã khui và tạm giữ một số đồ vật khác có liên quan.
Tiến hành khám xét khẩn cấp kho vật liệu nổ của Công ty TNHH Hoàng Nhi tại dự án này, lực lượng chức năng thu giữ thêm 117 thùng thuốc nổ còn nguyên đai, nguyên kiện, mỗi thùng nặng 24 ký, tổng cộng 2.808 ký; 6.039 kíp nổ và 3.500 mét dây truyền nổ. Qua điều tra xác định, Công ty TNHH Hoàn Thiện lợi dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp tại các hạng mục công trình Thủy điện Nước Chè đã cấu kết với Công ty TNHH Hoàng Nhi lập khống hồ sơ, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình Thủy điện Nước Chè.
Tiếp tục mở rộng vụ án, ngày 30/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Thái để điều tra về hành vi “Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”; đồng thời tiến hành khám xét chỗ ở và nơi làm việc của đối tượng Thái tại làng Klah 2, xã Ia Der (huyện Ia Grai, Gia Lai). Tính đến ngày 21/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan. Đến nay, vụ án trên vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Bỏ hoang dự án
Dự án Thủy điện Nước Chè có tổng diện tích khoảng 120ha, chiều dài theo dòng sông bị ảnh hưởng 7 km, sâu 50m, tác động đến hơn 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ thuộc huyện Phước Sơn. Thế nhưng, sau khi giám đốc dự án bị khởi tố, dự án dừng thi công, nơi đây để lại các hạng mục dang dở và tồn động nhiều vấn đề liên quan khác.
Có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy khu vực bờ đập của dự án ngăn dòng sông Nước Chè được xây dựng kiên cố, dài hơn 100 mét, cao hàng chục mét sắp được hoàn thiện.Thế nhưng, nhiều hạng mục khác vẫn đang bỏ dở. Nhiều công trình sắt, thép,… đang rỉ rét ngổn ngang trên công trường. Bên vai phải của bờ đập về phía thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng do đợt mưa lũ cuối năm 2020; bên vai trái cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài. Những lán trại là nơi ăn uống, sinh hoạt của công nhân nay đã bỏ hoang. Nhiều loại xe cơ giới phục vụ cho dự án được tập kết đi nơi khác. Công trình hiện nay không còn một bóng người.
Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, nguyên nhân dự án dừng hoạt động là do giám đốc dự án bị truy tố về hành vi liên quan đến vật liệu nổ. “Theo tôi chủ đầu sẽ tiếp tục triển khai, sau khi vấn đề liên quan đến pháp luật được xử lý xong. Liên quan đến dự án, hiện nay diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng”- ông Quảng nói.
Chủ tịch UBND xã Phước Năng, Hồ Văn Khu cho biết: “Hiện vẫn còn 43 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng của dự án chưa được chủ đầu tư đền bù, dù mức giá đền bù bà con đã đồng ý”- ông Khu nói.
Liên quan đến dự án này, Báo Đại Đoàn kết đã từng có bài viết “Chưa hoàn tất thủ tục, vẫn thi công dự án thủy điện” (số ra ngày 15/09/2018), phản ánh về việc, chưa có quyết định phê duyệt giá đất cũng như cây cối, hoa màu để có cơ sở đền bù cho người dân thì chủ đầu tư Dự án Thủy điện Nước Chè đã tự ý san lấp mặt bằng để thi công làm vùi lấp đất đai, hoa màu của người dân, khiến họ bức xúc, gửi đơn khiếu kiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hà khi đó là Chủ tịch huyện Phước Sơn đã yêu cầu: “Công ty CP Thủy điện Nước Chè phải khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để chi trả tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định, tránh trường hợp khiếu kiện về sau”. Thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho các phương tiện tiếp tục san lấp thi công công trình này.