Đó là vấn đề nhận được nhiều ý kiến giữa các giới về Dự án Luật Quy hoạch. Một dự án luật dự kiến sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Ảnh minh họa.
Đề cập đến việc tích hợp quy hoạch tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “đây là một cuộc cách mạng”, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập từ trước đến nay trong vấn đề quy hoạch như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm.
Do đó phải tiệm cận với thông lệ quốc tế để tránh cát cứ. Hiện, không thể đi ngược lại xu thế khách quan và lợi ích đất nước. Như thế là không chấp nhận được, dân chủ nhưng phải có tập trung.
Và, cả xã hội đang đồng tình chỉ còn ở đâu đó 1-2 cơ quan, 1-2 con người mà bàn lùi thì không nên. Thực tế Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng nhưng trong 7 năm nay Bộ đã tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng hay đất đai, tài nguyên thì nhiều ý kiến đều đề nghị cần thay đổi. Cho nên chúng ta phải lắng nghe, muốn anh này không triệt tiêu anh kia thì nó phải nằm trong quy hoạch tổng thể.
Đứng ở góc độ khác, bà Đỗ Tú Lan- nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị nông thôn cho rằng, thực tế xã hội cần một khung thể chế đối với quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất trình tự và liên kết, chứ không phải sản phẩm của Luật Quy hoạch là một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch hiện hành liên quan đến 12 Luật hiện hành. Việc đưa ra một quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ.
Tuy nhiên, việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể có rất sơ sài. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được. Hoặc có thể dẫn đến quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”
Theo bà Lan, bản chất định hướng xây dựng Luật Quy hoạch nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại là cần xây dựng một thể chế khung điều tiết việc kết nối quy hoạch của các ngành các cấp, chứ không phải là cách làm “một cái nồi to để đổ hết các loại vào” cho thống nhất.
Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều vẫn rất cần có ít nhất 2 hệ thống công cụ bao gồm: Định hướng chiến lược tổng thể và ngành có thể là nghị quyết, cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển được thể hiện bằng văn bản hoặc một loại hình quy hoạch. Còn, quy hoạch vật thể không gian là hệ thống quy hoạch các cấp để thể hiện các cơ sở vật chất đáp ứng các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
“Đối với các quốc gia đã phát triển có thể tích hợp các công cụ gọn hơn, do các quốc gia này đã thực hiện cơ bản được những hệ thống khung quốc gia và các vùng ổn định và phát triển. Còn với Việt Nam cần học tập các nước để có cách làm khoa học và từng bước phát triển. Tuy nhiên cũng cần phải xác định rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam cũng chỉ mới được tập trung xây dựng hơn 10 năm nay, việc quy hoạch vùng lãnh thổ và đô thị, nông thôn cũng mới được tập trung lập gần đây, thậm chí chưa phủ kín được các khu vực, trong khi các quốc gia phát triển họ đã trải qua các bối cảnh này hàng trăm năm, và họ cũng phải xây dựng những công cụ quy hoạch làm cơ sở phát triển”- bà Lan cho hay.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, nếu giải thích tích hợp là đồ án Bộ Xây dựng làm rồi đưa sang Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định thì thành ra không ổn. Bản chất đồ án được làm thế nào? Được đi vào cuộc sống hay không? Tác động thế nào đến người dân chứ không phải quy hoạch ấy chưa được tích hợp bây giờ phải đưa Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hoặc phê duyệt lại.
Thực ra trong Luật Quy hoạch đưa ra mặc dù không nói đến quy hoạch xây dựng nhưng ở một số điều khoản cũng nói đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết vùng liên huyện, các khu công nghiệp, chức năng vẫn tiếp tục thực hiện theo Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan.