Chính trị

Sửa đổi luật, loại bỏ xin – cho

H.Vũ 31/10/2024 08:41

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Anh thay
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Lê Khánh.

Dự thảo Luật nhằm tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Chấm dứt hoạt động dự án chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai

Cụ thể, Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, về sửa đổi Luật Quy hoạch được sửa đổi một số nội dung của Luật Quy hoạch như: quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt. Phân quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và bổ sung quy định điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch để tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

Về sửa đổi Luật Đầu tư, ông Dũng cho rằng, Luật này sửa đổi, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Quy định việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Bộ KHĐT cho hay, Luật này bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.

Về cơ chế tài chính đối với dự án PPP thì áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án. Phân cấp cho HĐND thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Còn sửa đổi Luật Đấu thầu thì sửa đổi một số nội dung, cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu.

Thẩm tra dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính.

Về thu hồi dự án, ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị, quy định chặt chẽ hơn theo hướng, nếu thực hiện không đúng cam kết cần phải thu hồi dự án, thay vì chậm trễ đưa đất vào triển khai mới thu hồi như luật hiện hành. Đồng thời sửa đổi quy định về cấp phép đầu tư chặt chẽ hơn, đảm bảo không lãng phí nguồn lực.

Theo ĐBQH Vũ Đại Thắng (Đoàn Quảng Bình), Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu là những luật mới được thông qua nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, có những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân, chậm trễ trong thủ tục đầu tư, chờ đợi giữa quy hoạch cấp này với quy hoạch cấp khác, chậm trễ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tổng thể các điều khoản còn vướng mắc, xung đột lẫn nhau là cần thiết, cấp bách. Nếu không sẽ gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

anhbaichinh.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo bình đẳng theo cơ chế thị trường

ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tỏ sự cần thiết ban hành Luật “1 luật sửa 4 luật” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nhất là các vấn đề liên quan đến Luật quy hoạch và pháp luật chuyên ngành cần đều chỉnh.

Về Luật Quy hoạch, theo ông Thi, tại Luật Địa chất khoáng sản và Luật Điện lực chưa có sự đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch, do đó cần phải xử lý ngay. Hiện nay có các quy hoạch chuyên ngành quy định chi tiết nhiều thông số cụ thể. Điện có phát triển mạng lưới cấp điện nhưng theo quy hoạch hiện không còn nữa và tích hợp vào quy hoạch tỉnh trong khi không chi tiết cụ thể. Thực tế các thông số cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Hay như Thủ tướng phê duyệt điện lực quốc gia. Chính phủ đề xuất giao quyền này cho Bộ trưởng Bộ Công thương. Về nguyên tắc cấp nào phê duyệt thì cấp đó điều chỉnh quy hoạch. Còn cấp tỉnh thì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vì vậy vấn đề trên cần xem xét nghiên cứu. Nếu điều chỉnh cần điều chỉnh ngay để tháo gỡ vướng mắc.

Liên quan đến Luật Đầu tư, ông Thi nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế biển rất lớn, trung ương đã có nghị quyết chuyên đề về chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20245. Trong đó, phấn đấu đóng góp của các tỉnh có biển đóng góp vào tăng trưởng của đất nước từ 70-75% GDP. “Hiện các dự án đầu tư trên đất liền đã rõ, còn các dự án trên biển không nêu rõ thẩm quyền trách nhiẹm. Ví dụ vấn đề điện gió ngoài khơi cần nghiên cứu bổ sung là tạo điều kiện cho phát triển các địa phương có biển trong thời gian tới” - ông Thi nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, trong điều chỉnh quy hoạch cần quan tâm, cấp nào phê duyệt thì cấp đó điều chỉnh. Tuy nhiên điều chỉnh cục bộ cần phân cấp nhưng không được thay đổi mục tiêu dự án và không gian. “Ví dụ quy hoạch xây trường học nhưng lại điều chỉnh đẩy trường ra chỗ khu vực xa thì không đảm bảo vấn đề về không gian. Ngược lại nhà máy điện rác Thiên Ý không cho điều chỉnh công suất từ 70-90MW là vô lý khi vẫn ở vị trí đó, chỉ thay đổi công suất” - ông Cường ví von.

Về Luật PPP, theo ông Cường, phải tạo sự hấp dẫn. Bởi hiện các nhà đầu tư “sợ” PPP, không dám vào vì cơ chế rủi ro. “Ví như các dự án giao thông thu phí, giờ không cho thu phí thì ai dám đầu tư. Do đó, cần cơ chế xử lý rủi ro, cam kết cùng chia sẻ và trách nhiệm, trong đó quy rõ cả trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án PPP. Nếu không nhà đầu tư sợ không dám vào”.

Đối với dự án BT, ông Cường nói “như con dao 2 lưỡi”. Bởi lợi ích lớn, hiệu quả cao nếu quản lý tốt. Nếu không thì ngược lại. Do đó phải kèm điều kiện thời gian nhanh, chi phí nhanh. Phải bình đẳng theo cơ chế thị trường, chứ tạo ra “rào cản”, tiêu cực thì không được.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Về Luật PPP, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta có nhiều phương thức huy động nguồn lực xã hội (thị trường chứng khoán, trái phiếu). Phương thức đối tác công tư là hình thức huy động nguồn lực xã hội. Phó Thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chuẩn bị bàn thì nguồn lực nhà nước chỉ là một phần, phải huy động các nguồn lực khác thì mới làm được.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, các nước hiện nay không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến hoặc đến rồi lại đi. Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào? Còn nhà đầu tư thì chỉ có một quyền đó là “không làm”. Vì vậy thiết kế Luật phải hài hòa giữa quản lý nhà nước, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư. Nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý nhưng bây giờ không chỉ quản lý mà còn phải thúc đẩy phát triển. Phải bỏ “không quản được thì cấm” và “xin - cho”. Rồi quyền anh quyền tôi. Các bộ ngành cũng hay níu kéo quyền anh, quyền tôi từ luật chung đến luật chuyên ngành, mà chủ yếu là tạo ra thủ tục, tạo ra quyền lực. Khi có quyền lực thì sẽ có quyền lợi, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân lồng vào. Điều đó làm cản trở phát triển đất nước. Lần này phải khắc phục, và lần này định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. Các thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí, cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư.

Ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu...

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể để tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân... Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi luật, loại bỏ xin – cho