Chính trị

Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

V.Thắng 25/05/2024 14:09

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

anh-bai-tren-trang-2.jpg
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 24/5. Ảnh: Quang Vinh.

Góp ý về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), ĐB Nguyễn Việt Thắng (Đoàn ĐBQH Kiên Giang) cho rằng, tại điểm b, khoản 4, Điều 3 của Dự thảo Luật giải thích từ ngữ và quy định về vũ khí thô sơ, trong đó bao gồm: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính chất sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, theo quy định tại Phụ lục 4 Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Danh mục vũ khí thô sơ có cả dao đi rừng, dao nhà bếp... “Tôi đề nghị cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định chặt chẽ hơn về nội dung này để tránh gây xáo trộn, khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất thường ngày của người dân và để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Luật trong cuộc sống” - ông Thắng nói và cho rằng, trong thực tế rất khó xác định khi nào thì dao được xem là vũ khí khi gắn với tiêu chí “mục đích sử dụng”. Đôi khi, dao đang là vật dụng hàng ngày sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng khi dao được sử dụng để gây án thì nó được xem là vũ khí mang tính sát thương cao. Do đó, cần phải đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng và phải quy định chặt chẽ hơn khi xem dao là vũ khí.

Trong khi đó, liên quan đến xác định dao là vũ khí thô sơ, theo ĐB Nguyễn Hải Trung (Đoàn ĐBQH Hà Nội), cứ vào ngày cuối tuần, ngày lễ này lễ kia, các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng 15-16 tuổi rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường. “Rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự, điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi. Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng ở độ tuổi đó” - ông Trung cho hay.

Do đó vị đại biểu là Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, việc bổ sung dao vào dự Luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích. Chẳng hạn phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau. Việc bổ sung quy định này vào Luật giúp xử lý được cái hành vi, đồng thời cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn. Do đó cần thiết phải bổ sung vào Luật.

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, ĐB Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH Lào Cai) cho biết, Tại điểm a khoản 1 dự thảo luật quy định: Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên ông Lềnh đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về “đối tượng khác được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này” là những đối tượng nào để quá trình triển khai Luật được thuận lợi, có tính khả thi, dễ tiếp cận và dễ triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1, ông Lềnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm cụm từ “đồ dùng, vật phẩm” vào khoản 9. Vì ngoài thức ăn, nước uống thì đồ dùng hoặc vật phẩm khác cũng là đồ có thể bị đầu độc.

Trước đó, sáng 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

THÔNG CÁO SỐ 6 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thông tin từ VPQH, thứ Sáu, ngày 24/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5, tại Nhà Quốc hội Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, mở đầu phiên họp toàn thể tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Quốc hội, UBTVQH gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn rạng sáng ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đồng thời đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và các lực lượng chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình; bảo đảm cuộc sống. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tăng cường công tác PCCC trong cả nước; cảnh giác ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy nổ. Tiếp đó, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo VPQH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ