Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: Cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô

Việt Thắng 10/11/2023 18:30

Chiều 10/11, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô. Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về áp dụng Luật Thủ đô, theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng để thực hiện có hiệu quả quy định này đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, vai trò của chính quyền thành phố Hà Nội và cơ chế xử lý trong trường hợp giữa bộ, ngành và chính quyền thành phố có ý kiến khác nhau về nội dung của chính sách; đối với nội dung Luật Thủ đô giao Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết hoặc giao quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thì nội dung trong các văn bản này phải phù hợp với Luật Thủ đô nhưng có thể khác với quy định của các luật khác hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên; bổ sung trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc ban hành các văn bản để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Về cơ cấu của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, đa số ý kiến cho rằng, việc "quy định cứng" chức danh Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND là thành viên Thường trực HĐND thành phố như dự thảo Luật sẽ khó cho công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, nhất là khi có yêu cầu thay đổi trong thời gian giữa nhiệm kỳ. Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND và một số Ủy viên khác do HĐND xem xét, quyết định.

Về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm, Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay, biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương, vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong Luật. Có ý kiến cho rằng, để cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, điều chỉnh một cách linh hoạt hơn tổng số biên chế được giao cho thành phố Hà Nội thì trong Luật cần xác định một tỷ lệ nhất định không được vượt quá trong tổng chi thường xuyên (hoặc tổng ngân sách địa phương của từng cấp) dành cho chi hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Hà Nội.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, có ý kiến đề nghị, Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật vì Nghị quyết số 27-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách. Do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm vì phạm vi đối tượng thụ hưởng rất lớn.

Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đa số ý kiến tán thành với đề xuất như trong dự thảo Luật để tạo thêm nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Có ý kiến đề nghị nội dung này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quy định trong Luật bởi hiện nay pháp luật về đất đai không cho phép thu hồi đất mà không gắn với đầu tư dự án trên phạm vi đất được thu hồi. Hơn nữa, việc phát triển TOD mới chỉ được thí điểm ở một số khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài, Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm (điểm b khoản 1 Điều 9), Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương, vì vậy đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng để cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, điều chỉnh một cách linh hoạt hơn tổng số biên chế được giao cho thành phố Hà Nội thì trong Luật cần xác định một tỷ lệ nhất định không được vượt quá trong tổng chi thường xuyên (hoặc tổng ngân sách địa phương của từng cấp) dành cho chi hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: Cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO