Sáng ngày 28/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Thông tin tại buổi họp báo, ban tổ chức hội thảo cho biết: Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" sẽ được tổ chức ngày 1/8/2023 tại Hà Nội do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức.
Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành các nhà khoa học thuộc các trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bản Thành phố Hà Nội nhằm cung cấp các luận chứng khoa học góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố. Đồng thời nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội thảo sẽ có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm các đại biểu là đại diện của Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trung ương, đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Hà Nội cùng sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Nội dung của hội thảo sẽ tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đối) với 9 nhóm chính sách lớn như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động. trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Ban tổ chức thông tin thêm, các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được Thành phố Hà Nội, Ban soạn thảo, các cơ quan có chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Học Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đều mong muốn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền theo nhiều hình thức khác nhau đến nhân dân, lấy ý kiến và tạo sự đồng thuận trong lòng nhân dân bởi đây là luật liên quan trực tiếp đến nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người dân Thủ đô là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ dự luật.
Do đó công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí cần được triển khai sâu rộng, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; bám sát, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung trước, trong và sau hội thảo nhằm tạo những điều kiện thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong tương lai, từ đó mang lại những giá trị sống tốt đẹp cho người dân.