Đây là quan điểm của chuyên gia trước câu hỏi liên quan tới nhận định về những biến động của điểm chuẩn đại học năm nay khi đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tăng độ phân hóa.
Sẽ không có mưa điểm 9, 10
Diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi trên cả nước, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được lãnh đạo Bộ GDĐT đánh giá là thành công, an toàn, nghiêm túc. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Nhận xét chung của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi, môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa cao phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Về đề thi môn Ngữ văn, cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét, đề thi quen thuộc, vừa sức với học sinh. Trong đó, câu hỏi phụ của bài nghị luận văn học mang tính bất ngờ nên có khả năng phân loại học sinh.
Với môn Toán, thầy Lê Văn Cường, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận định, đỉnh của phổ điểm môn Toán sẽ ở quãng điểm 7,5 - 8, điểm 9 - 10 sẽ ít và có thể ít hơn rõ rệt so với các năm.
Năm nay, đề thi tiếng Anh cũng được nhận xét là "dễ thở". Tuy nhiên, cô Hoàng Xuân, giáo viên Tuyensinh247 đánh giá, đề thi có độ phân hóa rõ rệt, sẽ không có mưa điểm 9, 10 như năm 2021. Phổ điểm cũng thấp hơn năm ngoái.
Nhóm giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi các môn thuộc 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội có độ phân hóa cao hơn năm trước. Tỉ lệ câu hỏi phân hóa/tổng bài thi ở mức 15-20%.
Đề thi tăng độ phân hóa khiến nhiều thí sinh lo lắng về điểm chuẩn đại học năm nay sẽ có nhiều biến động. Mong muốn vào trường đại học top đầu nên dù hoàn thành khá tốt các bài thi trong kỳ thi vừa qua nhưng thí sinh Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Em chưa thể thoải mái thư giãn vì lo lắng điểm chuẩn vào một số ngành hot sẽ tăng”.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Diệu Anh, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Em biết dễ hay khó là tình trạng chung, không riêng thí sinh nào nhưng tâm lý hồi hộp chờ điểm chuẩn đại học là không thể tránh khỏi”.
Thí sinh nên thả lỏng chờ kết quả
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về điểm chuẩn đại học năm nay, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các trường đại học có rất nhiều phương thức tuyển sinh. Trong đó, việc sử dụng kết quả điểm thi các tổ hợp để xét tuyển vẫn là chủ yếu. Nhưng với các trường top đầu, các ngành hot sẽ không có nhiều biến động, nếu có tăng hay giảm sẽ không đáng kể.
Thế nên ông Triệu cho hay: “Thí sinh có thể sử dụng điểm chuẩn của năm 2021 để tham chiếu và dự đoán được. Các em nên có sự lựa chọn phù hợp, tận dụng tất cả các cơ hội để trúng tuyển ở nguyện vọng mình mong muốn nhất”.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm, muốn dự báo điểm chuẩn đại học phải dựa trên dữ liệu chấm điểm nên thời điểm này, việc dự báo điểm chuẩn chỉ là phiến diện, không chuẩn xác.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đưa ra lời khuyên: “Thí sinh nên thả lỏng và nghỉ ngơi, chờ ngày công bố điểm và chuẩn bị các phương án đăng ký xét tuyển vào các trường mong muốn”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tăng tính phân hóa, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) phân tích, việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT trong nhiều năm nay.
Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản.
Hơn nữa năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo dảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Theo lịch của Bộ GDĐT, từ ngày 9/7, các địa phương thực hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2022. Chậm nhất ngày 22/7, các đơn vị tổng kết công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GDĐT.
Dự kiến, ngày 24/7, các Hội đồng thi công bố kết quả. Chậm nhất ngày 26/7, các trường công bố công nhận tốt nghiệp THPT. Chậm nhất ngày 28/7, các đơn vị cập nhật vào Hệ thống quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GDĐT.
Các đơn vị cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh chậm nhất ngày 30/7.