Năm 2023, giới chuyên gia tài chính cho rằng lạm phát không phải rủi ro lớn với kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng không thể chủ quan trong bối cảnh những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát được cho là khá rõ ràng.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023 là thách thức với các cơ quan quản lý, điều hành kinh tế do có một số yếu tố sẽ tạo áp lực cho lạm phát. Trong khi mức CPI bình quân chung năm 2022 là 3,15%.
Lạm phát sẽ dừng ở con số nào?
Nền kinh Việt Nam với độ mở lớn, xuất khẩu mạnh thì tác động của kinh tế thế giới là tất nhiên. Nhiều định chế tài chính quốc tế đưa ra dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế. Đặc biệt, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng lên, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất; mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, qua đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 tăng 6,79% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,56%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 trong khi hơn 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu tư liệu sản xuất.
Trong bối cảnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ khiến giá hàng hóa tăng trở lại. Việc tăng lương từ 1/7/2023 cũng có khả năng kéo giá của hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng theo.
Nói như ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì “chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023”. Còn theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, thì áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Tuy nhiên, ông Độ cho rằng nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn thì mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là khả thi.
Đó là dự báo mức lạm phát, còn tăng trưởng GDP năm 2023 ra sao?
Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,83%
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) công bố mới đây, đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2023.
Theo CIEM, ở kịch bản tích cực, năm 2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,83%; xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD; lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
Ở kịch bản thấp hơn, tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,47%; xuất khẩu tăng 7,21%, thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD và lạm phát sẽ ở mức 4,08%.
TS Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, theo kịch bản 1, mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ với chỉ tiêu năm 2023 mà Chính phủ xác định là 6,5%. "Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được" - ông Dương nói.
Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng, cùng với nhiều tác động thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD.
Nhìn chung, các dự báo đưa ra là khả quan, theo đó đáng chú ý là tăng trưởng GDP chênh lệch khá xa so với chỉ số lạm phát (được dự báo).
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,2% trong năm 2023. Theo đó, cán cân thương mại được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu có thể sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu, nhập khẩu có nguy cơ giảm. Lạm phát được dự báo ở mức 5,5% cho cả năm 2023. Tỷ giá USD/VND được dự báo đạt 23.400 đồng vào cuối năm 2023 và 23.000 đồng vào cuối năm 2024.
Còn theo Ngân hàng Singapore UOB, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6%, so với 8,02 năm 2022. Các chuyên gia của UOB cho rằng động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. UOB cũng đưa ra dự đoán về đồng USD so với VND. Theo đó, mức 25.200 VND/USD trong quý 1/2023; 25.400 trong quý 2; 25.600 trong quý 3 và 25.800 VND/USD trong quý 4.