Kinh tế

Dư địa lớn cho thủy sản xuất khẩu

Lê Bảo 21/11/2023 10:50

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường gặp khó khăn, xuất khẩu bị thu hẹp, nhưng với thị trường Trung Quốc thì ngược lại, đây là thị trường có nhiều triển vọng và dư địa lớn đối với thủy sản xuất khẩu thời gian tới.

anhtren.jpg
Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66% - doanh số kỷ lục và tăng trưởng kỷ lục, sau khi giảm xuống còn 990 triệu USD năm 2021 do những hạn chế bởi dịch Covid - 19. Bước sang năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng gặp những vấn đề như các thị trường khác: giá giảm, lượng tồn kho cao, do vậy 9 tháng đầu năm doanh thu thủy sản xuất khẩu sang thị trường này giảm 18% đạt 1 tỷ USD.

Những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra (chiếm 40%) và tôm chiếm 38% đều bị giảm giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm giảm 8%, cá tra giảm 27%. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng loài thủy sản thì năm 2023 có nhiều loài có tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng mạnh như tôm chân trắng, tôm sú, tép biển (ruốc), cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng, bạch tuộc, nghêu...

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP, thời gian tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc như: Dịch Covid-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Kinh tế Trung Quốc đang có tín hiệu tích cực và nhu cầu thủy sản tại thị trường này đang hồi phục. Ngoài ra, vị thế địa lý, chi phí logistics giảm và ít hơn so với các nước khác là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…

Tuy nhiên theo bà Lê Hằng, để tận dụng, phát huy tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc và tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn; cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu...

Theo VASEP, đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,4 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu về giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vẫn là cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24%. Đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu cá ngừ với 693 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong khi đó, doanh nghiệp vừa bị áp lực giảm đơn hàng tại thị trường xuất khẩu, vừa gặp khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp gồm: Bất cập quy định liên quan đến việc áp trần chi phí lãi vay; vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản; tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, định mức chi phí tái chế còn rất cao đề nghị được điều chỉnh, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; Bất cập trong việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy; về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngành thủy sản…

Theo VASEP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xác định thị trường Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng. Để tận dụng tốt cơ hội, VASEP cho rằng cần có trao đổi thông tin, nhu cầu nhiều hơn ở cấp địa phương. Đặc biệt, cần có những thay đổi về chính sách như mở rộng danh sách các sản phẩm thủy sản được xuất khẩu, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm hạ tầng logistics từ kết nối đường bộ, đường sắt và hợp tác xây dựng các kho lạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dư địa lớn cho thủy sản xuất khẩu