Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt với mục tiêu bảo đảm quyền được tiếp cận học tập cho học sinh khuyết tật.
Ngày 11/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tọa đàm xin ý kiến dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ GDĐT cho biết, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên.
Ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung liên quan nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Ngành Giáo dục cũng đã triển khai nhiều phương thức giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt đối với học sinh khuyết tật với chủ trương bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với người khuyết tật.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh khẳng định, những nỗ lực đó thể hiện ở việc hoạch định chính sách; tạo điều kiện để có thể triển khai nhiều phương thức giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt đối với học sinh khuyết tật.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày về báo cáo thực trạng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tính đến nay, toàn quốc hiện có 48 cơ sở giáo dục chuyên biệt cấp huyện và cấp tỉnh, 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh trực thuộc sở GDĐT quản lý.
Ngoài ra còn có các cơ sở hỗ trợ phục hồi chức năng do ngành Lao động, thương binh và xã hội quản lý nhưng thực hiện chức năng giáo dục dành cho người khuyết tật.
Mục tiêu dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục cho người khuyết tật.
Tại tọa đàm, một số ý kiến góp ý về mục tiêu dự thảo cần làm rõ chức chức năng, nhiệm vụ cũng như đối tượng của trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có gần 4.000 học sinh học hòa nhập ở các trường. Hà Nội hiện có 3 trường chuyên biệt gồm: Trường Tiểu học Bình Minh, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn và Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu.
Điểm khác biệt của Hà Nội là cả 3 trường chuyên biệt này vẫn nhận học sinh bình thường. Nhiều giáo viên dạy các trường chuyên biệt nhưng chế độ chính sách chưa bảo đảm nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho rằng, để dự thảo quy hoạch được hoàn thiện cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.
Trong đó, có việc tính toán số lượng cụ thể về đội ngũ giáo viên trong quy hoạch và các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như các yếu tố khác nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền được tiếp cận học tập cho học sinh khuyết tật trên toàn quốc.