Người khuyết tật cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội thay vì là đối tượng ưu tiên. Điều này có nghĩa là mọi doanh nghiệp cần quan tâm thực sự đến tạo việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là những phụ nữ khuyết tật để họ có được cơ hội việc làm bình đẳng như nhau.
Nỗi lo mưu sinh
Có mặt tại Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật (NKT) do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội tổ chức mới đây, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) khá dè dặt khi đi tới các bàn tư vấn. Sinh năm 1979, chị Hoa bị khiếm thính từ lúc lọt lòng, nhà nghèo bản thân lại bị khiếm khuyết nên chị không được đi học. Lớn lên để phụ giúp bố mẹ chị xin đi làm tạp vụ và rửa bát thuê cho các nhà hàng. Tuy nhiên, công việc không được ổn định cho dù chị chấp nhận mức lương thấp.
“Tôi bị khiếm thính nên nhiều khi chủ cửa hàng cũng gặp khó khăn khi muốn giao việc, đặc biệt là việc đột xuất. Cũng vì lý do này nên tôi không thể kiếm được công việc ổn định. Chính vì vậy, khi biết Phiên giao dịch việc làm này tôi đã tìm đến với hy vọng kiếm được một công việc phù hợp để có thể tự lập mưu sinh” - chị Hoa chia sẻ.
May mắn hơn chị Hoa, anh Nguyễn Hồng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) chỉ gặp khó khăn ở chân, dù vậy để tìm được công việc phù hợp cũng không hề dễ dàng. Kể về quá trình tìm việc của mình, anh Hòa cho biết, dù đã tốt nghiệp khóa Sơ cấp nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhưng để có công việc phù hợp rất khó khăn. Có nhiều doanh nghiệp (DN) sẵn sàng tuyển lao động là NKT thì công việc không phù hợp với nghề anh đã theo học, còn những DN có vị trí, tuyển dụng đúng với nghề thì lại không tuyển NKT. Chưa kể nhiều DN dù tuyển dụng nhưng lương, thưởng hàng tháng trả thấp hơn nhiều so với lao động bình thường trong khi hiệu suất công việc như nhau.
Nỗi lo đối xử thiếu công bằng về thu nhập, vị trí việc làm tại môi trường làm việc với NKT vốn là câu chuyện không mới. Đây cũng chính là lý do khiến không ít lao động là NKT dù có sức khỏe, trình độ, kỹ năng… nhưng vẫn không thể tái hòa nhập cộng đồng vì rào cản phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Bị tai nạn giao thông, chị Hoàng Thanh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) bị khuyết tật ở chân. Dù tốt nghiệp Học viện Tài chính với tấm bằng khá, hơn một năm nay, chị Tâm vẫn không dám đi xin việc, chỉ nhận làm thêm báo cáo tài chính, kế toán cho những cửa hàng, đại lý, DN nhỏ tại nhà.
Chia sẻ lý do khiến con gái “ngại” đi làm, bà Nguyễn Thị Thanh - mẹ chị Tâm cho biết, sau khi tốt nghiệp ra trường Tâm cũng rất hào hứng chuẩn bị hồ sơ để đi xin việc, ứng tuyển. Và ngay lần đầu phỏng vấn, con gái bà đã đỗ và được đi làm công việc phù hợp với trình độ của mình. “Có năng lực, lại thông thạo tiếng Anh nên con tôi khá tự tin khi đi làm, nhưng khi đến nơi làm việc, từ bảo vệ đến quản lý đều coi con là NKT nên có sự phân biệt đôi khi cả “ưu tiên” không cần thiết. Chính điều này lâu dần khiến con co mình lại và không đủ tự tin để hòa đồng với môi trường làm việc. Sau hơn một năm nghỉ việc ở nhà, hôm nay tôi mới động viên và thuyết phục được cháu đến Phiên giao dịch việc làm với hy vọng con gái tôi sẽ tìm được môi trường làm việc phù hợp” – bà Thanh giãi bày.
Để người khuyết tật có thể tiếp cận việc làm
Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, Việt Nam có hơn 7 triệu NKT. Những năm gần đây, việc dạy nghề, tạo ra cơ hội việc làm để NKT hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm. Khoảng 31,7% NKT trung bình và 7,8% NKT nặng (những người mất một phần hoặc suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng làm việc) có việc làm.
Tuy nhiên, NKT vẫn chưa được tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm một cách công bằng và đầy đủ. Số NKT từ 16 tuổi trở lên có chứng chỉ nghề chiếm 6,5% ; 93,4% không có chuyên môn. DN chưa thực sự quan tâm tới việc mang đến cơ hội việc làm cho cộng đồng NKT.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, quá trình tư vấn, hỗ trợ việc làm cho NKT còn gặp khó khăn, bởi vấn đề nhận thức của DN về trách nhiệm xã hội với người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế đang vướng nhiều rào cản. “Điều DN cần làm là không chỉ tạo ra cơ hội cho NKT tiếp cận với chương trình đào tạo, giáo dục và tuyển dụng bình đẳng với người bình thường, mà còn cân nhắc tới những nhu cầu đặc biệt của họ trong môi trường làm việc như lối đi, khu vệ sinh... để NKT có cơ hội phát triển trong công việc” – ông Thành nói.
Ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), nói việc tiếp cận các cơ hội việc làm, sinh kế đối với NKT còn có những khó khăn nhất định, nhất là với các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng về lao động, dạy nghề nhằm phù hợp với yêu cầu của các DN. “Làm sao để NKT được hỗ trợ học nghề, đào tạo phù hợp gắn với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động vẫn là một trong những thách thức hiện nay” - ông Đức nói.
Nhiều ý kiến nhận định, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các DN hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia thị trường lao động đã là một thách thức, với NKT càng khó khăn hơn, nhất là hiện nay, đa phần NKT là lao động thủ công, thiếu kỹ năng, trình độ. Cùng với đó, thiếu thông tin cũng là một rào cản đối với NKT khi tìm kiếm việc làm.
Nêu giải pháp giải quyết những điểm nghẽn, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) cho rằng, NKT cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội thay vì là đối tượng ưu tiên. Điều này có nghĩa là mọi DN cần quan tâm tạo việc làm cho NKT, đặc biệt là những phụ nữ khuyết tật để họ được cơ hội việc làm bình đẳng như nhau.
“DN cũng cần phải nhìn nhận việc tạo cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho NKT, hỗ trợ họ tham gia hệ sinh thái việc làm là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội, trở thành giá trị mà DN mong muốn đóng góp chứ không phải là một chính sách khuyến khích, ưu tiên. Chỉ có như vậy, con đường việc làm đối với NKT mới rộng mở” – bà Thanh nhấn mạnh.
Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật. Những năm gần đây, việc dạy nghề, tạo ra cơ hội việc làm để người khuyết tật hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm. Khoảng 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng (những người mất một phần hoặc suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng làm việc) có việc làm.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi:
Xã hội hóa công tác trợ giúp
Vấn đề chăm lo và hỗ trợ NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhờ đó, số lượng NKT được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Mặc dù vậy, công tác trợ giúp NKT vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó số NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, NKT có sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và sinh kế bền vững vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các công trình thể thao, các trang thiết bị chuyên dùng cho NKT còn thiếu, chưa đồng bộ.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về NKT, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về NKT, nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý... Hơn hết, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp cho nhóm này.
Bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội:
Người khuyết tật cần cơ hội, không cần sự cảm thông
Tạo việc làm cho NKT chính là con đường bền vững giúp NKT thực sự hòa nhập vào đời sống. Có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay việc làm cho NKT vẫn luôn là nỗi lo rất lớn với bản thân họ cũng như gia đình họ. Rào cản khiến NKT khó tiếp cận việc làm không phải do NKT mà đôi khi do xã hội có cái nhìn thiếu bình đẳng. Chính vì vậy, trong tuyển dụng, môi trường làm việc vẫn chưa tạo cơ hội công bằng về vị trí việc làm, thu nhập cho NKT.
Bên cạnh đó hiện nay chúng ta đang thiếu các kênh giới thiệu việc làm cho NKT, đôi khi doanh nghiệp muốn tuyển cũng khó vì không biết liên hệ và tuyển dụng ở đâu. Xuất phát từ thực tế này Hội Người khuyết tật TP Hà Nội thường xuyên hợp tác và phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức "Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT" nhằm hỗ trợ NKT trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định và thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội. Từ đó mang lại nhiều cơ hội việc làm cho NKT.