Tại hội thảo khoa học quốc tế “Các loại hình du lịch hiện đại”, diễn ra trong 2 ngày 20 đến 21/10 tại TP HCM, nhiều ý kiến khẳng định với nhiều kiến tạo địa chất, đảo, vịnh, động, bãi biển đẹp vào tốp đầu của thế giới; tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn. Vấn đề làm làm gì để khai thác được tiềm năng ấy.
Thiên nhiên ưu đãi
Tại hội thảo, TS Võ Thị Thu Hà- giảng viên Khoa Du lịch (ĐH Hải Phòng) dẫn nghiên cứu cho thấy, dọc bờ biển Việt Nam hiện có nhiều khu vực cảng biển, trong đó có một số nơi đã và đang quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu như Cái Lân và một số điểm ở khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải,…
Ngoài sự hình thành mạng lưới cảng biển thì các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối các vùng trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường Xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển Việt Nam có khả năng chuyên chở khách du lịch và hàng hóa tới mọi miền Tổ quốc.
Về cảnh quan thiên nhiên, do đặc điểm kiến tạo khu vực nên các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo thành nhiều cảnh quan sơn thủy rất đa dạng, nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới. Điển hình như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng; các thắng cảnh Phong Nha, Bích Động, Non Nước…
TS Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho rằng: Con đường du lịch biển Việt Nam hết sức tuyệt vời, với hơn 3.000 km bờ biển, nhìn ra Biển Đông, trong đó, có đến 125 bãi tắm chan hòa ánh sáng quanh năm, có nhiều đảo, vịnh tuyệt đẹp, kỳ thú. Theo xếp hạng quốc tế, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia giáp biển có bãi tắm đẹp, với Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang được xếp đứng đầu trong số 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới.
Cũng cần phải nói thêm rằng, dọc ven biển Việt Nam cũng ghi nhận nhiều di tích, hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, mang đậm hơi thở cuộc sống của người dân ven biển, suốt từ Bắc chí Nam.
Phát triển kinh tế biển đã trở thành một trong những mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện từ Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9/2/2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nghị quyết xác định “phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa”.
Cùng với Nghị quyết 09, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác phát triển du lịch biển đảo, trong đó có phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo đến năm 2020. Ngoài ra, nhiều quyết định, chủ trương, chính sách quan trọng khác từ Trung ương đến địa phương được ban hành nhằm thúc đẩy công tác phát triển du lịch biển đảo nước ta lên tầm cao mới.
Một góc đảo Lý Sơn.
Đánh thức tiềm năng
Ông Nguyễn Hữu Nghị- giảng viên Khoa Văn hóa học (Trường Đại học KHXH&NV TP HCM) cho rằng, với định hướng của Chính phủ, nguyện vọng của ngư dân ven biển và nhu cầu thực tế trong bảo vệ chủ quyền của đất nước thì du lịch biển đảo sẽ trở thành loại hình rất đặc biệt của ngành công nghiệp du lịch trong thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được kỳ vọng mới là điều được quan tâm nhất, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ chế, chính sách, quy hoạch từ cấp quốc gia đến các địa phương.
Trong khi đó, TS Võ Thị Thu Hà cho biết, thực tế thì ngay cả hệ thống đảo, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng, cho dù ở dải ven biển hiện đã có tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, thu hút khoảng 48 - 65% lượng khách du lịch.
Một trong những vấn đề mà ngành du lịch các địa phương hiện nay cũng “đau đầu” là sự trùng lắp và giẫm chân lên nhau trong tổ chức các loại hình du lịch, dẫn đến mất liên kết để phát triển. Bởi vì, mỗi địa phương cần tạo ra các sản phẩm đặc thủ riêng của mình dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa.
TSKH Nguyễn Văn Khánh cũng tỏ ra băn khoăn, vì chẳng hạn như Khánh Hòa là một địa phương làm tốt nhất về du lịch biển đảo nhưng công bằng mà nói thì các loại hình du lịch biển đảo của Khánh Hòa vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế.
Theo TS Khánh, hiện hạ tầng đầu tư các dự án nằm trong địa phương này còn thiếu đồng bộ; hệ thống cảng, bến thuyền, cầu tàu,…và các dự án đang triển khai chậm tiến độ là một trong những rào cản rất lớn. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án nằm trong vịnh Nha Trang thường kéo dài do chính quyền địa phương và các nhà đầu tư chưa nắm rõ Luật Di sản…
ThS Ngô Hoàng Đại Long- Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo (ĐH Quốc gia TP.HCM) gợi ý việc lập một chuỗi liên kết ngoại vùng kết nối tuyến Lý Sơn nối từ Đà Nẵng, Chu Lai vào Lào, Thái Lan để thu hút các tour du lịch biển đảo vào Việt Nam.
Theo chuyên gia này, việc xây dựng sản phẩm du lịch tổng thể cho di sản đảo Lý Sơn sẽ tạo ra một hình ảnh về di sản bản địa, có bản sắc, tạo cảm xúc mạnh cho du khách, và từ đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách, khiến du khách nhớ lâu, làm cho du khách muốn quay lại và sẽ quảng bá cho điểm đến này.
Bà Đặng Hoàng Lan- giảng viên Khoa Du Lịch (ĐH Văn hóa TP HCM) gợi ý về tuyến du lịch ý thức ra Trường Sa được TP HCM tổ chức, UBND TP giao Sở Du lịch TP và các đơn vị liên quan tổ chức tuyến du lịch này. Đây cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về việc tổ chức du lịch ý thức đến Trường Sa.
“Du khách ra đây ngoài việc thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên, thì đây cũng là dịp để họ tìm hiểu sâu sắc hơn về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của ông cha ta và các thế hệ hiện nay, không chỉ khách trong nước mà cả khách quốc tế sẽ biết rằng vùng biển đảo này không tách rời khỏi chủ quyền của đất nước Việt Nam” - học giả này phân tích.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận, việc khai thác các loại hình du lịch biển đảo hiện nay là một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng của Tổ quốc. Đồng thời, phải xác định du lịch biển đảo phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu người trong độ tuổi lao động.