Tinh hoa Việt

Du lịch Điện Biên: Làm gì để cất cánh?

NGUYỄN XUÂN THỦY 05/05/2024 07:56

Du lịch về nguồn được coi như lợi thế của tỉnh Điện Biên. Cầu hàng không quốc tế Điện Biên đã nối vùng đất này với Hà Nội và TPHCM, nhưng để du lịch Điện Biên thực sự cất cánh có lẽ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên vẫn còn nhiều việc để làm.

du-lich-anh-bai-2.jpg
Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" thu hút du khách đến TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Vinh.

Còn nhiều lúng túng

Điểm nhấn nổi bật nhất, có sức lan tỏa nhất khi đến với TP Điện Biên Phủ những ngày này đó là bức tranh panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Điểm đến này nhộn nhịp và có phần quá tải từ khi mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về bức tranh.

Cán bộ Bảo tàng Điện Biên Phủ cho biết, dịp mới khai trương, cao điểm nhất có ngày tới 21.000 lượt người vào tham quan xem bức tranh tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với mỗi ca tham quan cho hàng trăm người chỉ diễn ra trong 6 phút, vẫn rất nhiều du khách chờ đợi để được tận mắt mục sở thị tác phẩm quy mô hoành tráng được hoàn thành trong 9 năm này.

Còn lại, các di tích vốn là căn cốt, gắn chặt với du lịch lịch sử dù đã được đầu tư lớn với các công trình phụ cận, nhưng với từng di tích chính vẫn chưa có tìm tòi đột phá để bắt kịp với việc số hóa và xu hướng tiếp cận du khách mới mẻ.

Du lịch về nguồn, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, từ đó “ngược dòng” về với quá khứ, cội nguồn tiên tổ để hiểu biết sâu sắc, thấm thía hơn nỗ lực, cống hiến, tài năng, công lao to lớn của các thế hệ cha ông đối với quê hương, đất nước.

Một ví dụ để so sánh tương quan. Đồn Mộc Lỵ tại Mộc Châu vốn cũng là một di tích Đồn Pháp, cánh cửa mở vào Tây Bắc cả phía ta và địch đều xác định rõ địa thế hiểm yếu, địch thì lập đồn phòng thủ ngăn quân chủ lực của ta vào Tây Bắc và tiến sang Lào, còn ta quyết tâm tiêu diệt. Trận đánh ngày 19/11/1953 ta đã tấn công tiêu diệt đồn. Sau này Khu di tích Đồn Mộc Lỵ được đầu tư xây dựng gần với Khu lưu niệm Trung đoàn 52 - Tây Tiến, việc thiết kế hiện đại kết hợp với những khu vực nguyên bản còn lại.

Công tác giới thiệu về di tích đã được số hóa tiện lợi và hấp dẫn. Trong khi đó, các di tích lịch sử khá dày đặc tại Điện Biên Phủ, ngay khu trung tâm thành phố nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hầm Đờ Cát khá đơn sơ, hầm tướng cũng như hầm phụ tá đều trang trí một chiếc bàn, một chiếc ghế sắt sơn xanh giống nhau, không có chú giải về hiện vật. Trong khi đó, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Điện Biên nói rằng, nguyên bản hầm của viên tướng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm khá tiện ích và “sang chảnh”, có cả hầm rượu và bồn tắm.

Một tham luận được tập hợp trong kỷ yếu Hội thảo “Điện Biên, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch bền vững” cũng đề cập đến việc số hóa di tích và cách thức trưng bày để tăng giá trị, tiếng nói của di tích, giúp du khách có những trải nghiệm tốt nhất. Ý kiến này của chuyên gia du lịch di sản và cộng đồng Phan Mạnh Tuấn, đề xuất kết hợp mã QR liên kết với âm thanh, hình ảnh, câu chuyện… liên quan để du khách kết nối với thực địa tại chỗ, tạo ra một dòng du lịch cảm xúc, một mô hình phát triển du lịch di sản tiên tiến, hiệu quả và bền vững đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, như vậy sẽ đồng thời nâng cao giá trị di sản và làm sâu sắc thêm trải nghiệm về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một ví dụ như ở đầu cầu Mường Thanh, cây cầu mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu những bước chân quân giải phóng chạy qua để vào khu trung tâm Mường Thanh chiều 7/5/1954 lịch sử.

Bên cạnh việc chú giải về cây cầu, chỉ cần in tấm ảnh lịch sử ấy ra cỡ lớn đặt ở đầu cầu, cùng hướng chụp và chú thích những gì hiện lên trên ảnh sẽ có một sự kết nối giữa thực địa và lịch sử, giữa hôm qua và hôm nay rất tốt, từ đó du khách dễ hình dung về giá trị của di tích thay cho những thuyết minh dài dòng không phải lúc nào cũng có thể vận dụng.

Bởi thế, những di tích ở Điện Biên vẫn cần một chiến lược đầu tư đúng hướng, tăng sự kết nối xưa - nay, giúp du khách dễ hình dung từ một địa điểm trong tổng thể khu vực địa lý và trong tổng quan Chiến dịch Điện Biên Phủ hơn nữa, để phát huy tốt nhất tiếng nói từ các di tích vốn đã rất quý giá tại mảnh đất lịch sử này.

Cực Tây - Đến rồi đi?

Cực Tây của đất nước nằm ở Điện Biên, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Điện Biên, có lẽ chỉ sau điểm nhấn Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ trong tương quan với các tỉnh thành khác của cả nước.

Đã là cực Tây của đất nước thì không chỉ là độc đáo của riêng Điện Biên, cũng giống như khi đến Cà Mau du khách phải cố gắng để ra điểm cực Nam nơi đất mũi, khi đến Phú Yên phải cố gắng mò ra điểm cực Đông nơi Mũi Điện, khi đến Hà Giang phải lên Cột cờ Lũng Cú và lên điểm cực Bắc bằng được. Thì cực Tây A Pa Chải cũng vậy.

Chưa có một thống kê đầy đủ về lượng du khách đến các điểm cực nhưng tôi tin ở cực Tây số người đến thấp hơn nhiều. Là bởi khoảng cách xa xôi. Điện Biên đã xa, vào A Pa Chải còn xa nữa. Quan trọng hơn, về cảnh quan cũng không thực sự nổi bật, người ta đi còn vì cung đường chứ không chỉ nguyên điểm đến.

Chỉ riêng Cột mốc số 0 cũng là điểm cực Tây thôi hẳn không đủ sức hút du khách, trừ dân phượt ưa trải nghiệm, đi theo kiểu dù thế nào cũng là trải nghiệm chứ hãn hữu mới có khách đoàn. Dịch vụ lưu trú ở Mường Nhé mới bắt đầu hình thành, chưa có những tiện ích và sự độc đáo, trong khi mặt bằng du lịch của các địa phương miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc đã nâng lên khá nhanh, độ chuyên nghiệp cũng cao hơn thì ở nơi cực Tây dường như mọi tour tuyến chưa chạm đến, chỉ là kiểu du lịch tự phát là chính như lãnh đạo huyện Mường Nhé thừa nhận.

Khách đến chủ yếu liên hệ với lực lượng biên phòng để lên mốc, sau đó lại quay đầu về Mường Nhé, nơi có vài nhà nghỉ bình dân, hoặc đi thẳng luôn đến những điểm dừng chân khác hấp dẫn hơn.

Ai cũng biết việc giữ chân du khách ở lại sẽ làm gia tăng nguồn thu từ du lịch. Dù khoảng cách xa xôi, từ TP Điện Biên Phủ vào đến A Pa Chải 260 cây số, chỉ cần đủ những điều kiện tối thiểu là du khách sẽ ở lại không cần níu chân, thế nhưng mọi thứ ở đây có vẻ như vẫn chưa khiến du khách cảm thấy phải/nên ở lại nơi này một tối. Homestay nhà ông Pờ Dần Xinh ở bản Tả Kố Khử, xã Sín Thầu được làm theo kiểu đón đầu, nhưng vào năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được cho là thời cơ vàng của du lịch Điện Biên thì nó cũng vẫn trống phòng. Một vài khu nhà trình tường được phục dựng và xây dựng trong sự nỗ lực của địa phương nhưng vẫn thiếu một sự đồng bộ để đánh thức vùng đất cực Tây này.

Tiếp nối câu chuyện về du lịch lịch sử, nếu biết dẫn dắt thì Mường Nhé hoàn toàn có thể kể tiếp câu chuyện “Điện Biên Phủ kéo dài” về những phần chiếm đóng của Pháp tại đây trước và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ trong tương quan và kết nối với khu vực Lào và Đông Dương.

Những câu chuyện về phỉ và thế lực tạo phản Đèo Văn Long được Pháp chống lưng cũng góp phần làm cho vùng biên thêm huyền bí. Không có một cơ ngơi như Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình còn nguyên vẹn ở Hà Giang hay phế tích Dinh thự của lãnh chúa Khu tự trị Thái Đèo Văn Long ở Lai Châu nhưng những ảnh hưởng của lãnh chúa này cũng để lại nhiều dấu ấn với vùng đất Mường Nhé, ở đây cũng còn di tích Đồn lính Pháp.

Về phía ta, Khu tượng đài Anh hùng Trần Văn Thọ ở xã Leng Su Sìn là câu chuyện đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nơi vùng biên trong tấm lòng đối với đồng bào các dân tộc Hà Nhì, nơi ngã ba biên giới cũng là địa điểm có thể kết nối với quá khứ. Một vùng lịch sử những năm chống Pháp sẽ được tái hiện sinh động tại vùng địa lý ngã ba biên giới Mường Nhé nếu có sự quan tâm đầu tư đúng hướng để tăng kết nối giữa các địa phương của du lịch Điện Biên.

Ngoài ra vùng đất cực Tây này còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là một trong những khu dự trữ, bảo tồn lớn nhất Việt Nam với 45,5 nghìn héc ta kéo dài trên 5 xã, gồm nhiều khu rừng nguyên sinh, thác nước, hệ sinh thái đa dạng, thảm thực vật phong phú, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Cầu hàng không mới không phải là “cứu cánh”

Điện Biên nằm ở nơi góc trời Tây Bắc, vừa là độc đáo nhưng cũng vừa là hạn chế, bởi vị trí địa lý xa xôi, khách du ngoạn Tây Bắc mạn Quốc lộ 6 lên qua hướng đèo Pha Đin đã bị Sơn La đầy màu sắc đón đầu, mạn phía Bắc có vùng đệm Lai Châu chưa thực sự phát triển về du lịch do cùng điều kiện xa xôi, tuy nhiên Lai Châu còn lợi thế tiếp giáp với Lào Cai với điểm nhấn là Sa Pa kết nối khá mật thiết qua con đèo nổi tiếng Ô Quy Hồ nằm ở ranh giới hai tỉnh trên Quốc lộ 4D, còn Điện Biên được “cất kỹ” và sâu nơi góc tận cùng của Tây Bắc, khách từ Lào Cai chỉ đi cố sang Lai Châu chứ khó mà đi tiếp sang Điện Biên. Đó là về đường bộ, một trong hai cách để đến với tỉnh này.

Với vị trị địa lý có những trở ngại cho phát triển du lịch như vừa nói, Điện Biên còn một kỳ vọng vào đường hàng không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây cũng không hẳn là “cứu cánh” cho du lịch tỉnh này. Những ngày gần đến Đại lễ 70 năm, tỉ lệ 20% số chuyến bay bị hủy bởi yếu tố thời tiết đáng để tư duy lại về tính bước ngoặt do cầu hàng không này mang lại.

Có những chuyến bay từ TPHCM, lẽ ra sẽ hạ cánh xuống thẳng Điện Biên Phủ thì vì thời tiết không đảm bảo, do dân đốt nương làm rẫy, khói bay che khuất tầm nhìn, không đảm bảo an toàn để hạ cánh đã phải bay về Nội Bài. Sau đó du khách được chuyển tiếp bằng đường bộ để lên Điện Biên. Điều này ngoài việc gây bất tiện, xáo trộn lịch trình của du khách còn ảnh hưởng đến cảm xúc, trải nghiệm của họ trong chuyến đi. Chưa kể, thời gian chờ đợi để xem có bay được hay không tại sân bay kéo dài tới vài tiếng, so sánh với dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ chỉ di chuyển 9 tiếng nằm xe giường nằm đã đến nơi thì có lẽ ai cũng nghĩ “thà đi đường bộ còn hơn”.

Tuy vậy, Điện Biên, bằng những tiềm năng và lợi thế, bằng những giá trị di sản đặc biệt gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng những năm đầu tiên của đất nước trong hành trình bảo vệ nền độc lập non trẻ vẫn luôn có sức hút, là nơi về nguồn, tìm hiểu, khám phá của nhiều thế hệ người dân cả nước.

Vẫn còn đó những tiện lợi để mỗi người về với vùng đất gói ghém một phần ký ức dân tộc này. Hiện nay đường bộ lên Điện Biên cũng đã được cải tạo, nâng cấp, dịch vụ xe giường nằm chạy vào ban đêm tiết kiệm rất nhiều thời gian cho du khách đi và đến, chỉ ngủ sau một đêm là du khách từ Hà Nội đã có mặt tại Điện Biên Phủ và ngược lại.

Di chuyển ban đêm cũng giúp du khách tận dụng tối đa quỹ thời gian để trải nghiệm các hoạt động tại vùng đất lịch sử, đủ thời gian để cảm nhận hết “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” như slogan của ngành du lịch Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch Điện Biên: Làm gì để cất cánh?